- “Tôi chưa bao giờ thấy các cán bộ lãnh đạo nhà nước giữ người, giữ nhân viên, giữ cán bộ, giữ người giỏi. Nếu có giữ thì chỉ là ‘cho hết trách nhiệm, cho không bị phê bình là không giữ người’”.

Câu chuyện “dứt áo ra đi” của một tiến sỹ kinh tế, trưởng phòng của một cơ quan cấp bộ khiến nhiều độc giả tìm thấy chính mình trong đó.

An phận thủ thường

Độc giả Nguyễn Thị Hương ở địa chỉ email huongthi2.nguyen@... cũng là một cán bộ ngân hàng đã cống hiến 36 năm cho ngành, trong đó có 12 năm là cục phó, là chuyên viên cao cấp từ năm 2002, vậy mà “lương của tôi chỉ được hơn 10 triệu, không bằng lương của một cán bộ phòng nguồn vốn của một ngân hàng cổ phần”.

Công việc quản lý nhà nước rất cần đến "Lưu Gù". Ảnh minh họa: HLong
Khi về hưu, độc giả này đã “ân hận vô cùng” “thời trẻ, từ một ngân hàng thương mại, khi được điều chuyển về Ngân hàng Nhà nước, tôi đã đồng ý ngay vì là một đảng viên, đâu cần là có”.

Độc giả ở địa chỉ email I_am_tomcats@... thì thốt lên “có ai làm công chức, đặt địa vị mình vào một cá nhân muốn cống hiến cho xã hội nhưng than ôi, xung quanh là cuộc sống khó khăn, mới thấm thía từng chữ của bài viết này”.

Nhưng đúng như băn khoăn nêu trong bài “Vì sao tôi dứt áo ra đi?”, lương  đã là chuyện đau đầu, môi trường làm việc và cơ hội cống hiến còn khiến công chức đau đầu hơn. Như độc giả ở địa chỉ email anhdung_1050@... chỉ ra, trong cơ quan nhà nước, “muốn làm lâu thì phải chấp nhận ‘an phận thủ thường’, muốn vào ê-kíp để được nâng lương, thăng tiến thì phải biết nói xuôi một chiều".

Giữ người chỉ để không bị phê bình

Người có năng lực tiếp tục ra đi vì họ “không được trọng dụng” như ý kiến của độc giả Minh Hai (hunganh@...): “Cách ứng xử cào bằng và cách hành xử ‘Hòa Thân’ của nhiều lãnh đạo cao hơn nhưng năng lực kém hơn, đã khiến công chức có năng lực không còn đủ kiên nhẫn để chờ cơ hội”.

Do giữa lời hứa và hành động trong sử dụng người có năng lực, trình độ của nhiều lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp nhà nước "quá khác xa nhau", nhiều công chức "trở nên thất vọng, mất niềm tin” mà ra đi, độc giả này phân tích.

Những người muốn ra đi mà không được cũng là một “thực tế cần chú ý” mà độc giả Thanh Nam (jpchat2003@...) nêu lên: “Nhiều nguời có trình độ không thể rời bỏ cơ quan nhà nuớc vì họ không có cơ hội để ra đi. Ví dụ những nhà khoa học làm nghiên cứu cơ bản ở các viện, họ có muốn ra đi cũng không thể vì không ai thuê họ. Vả lại để đạt được trình độ cao, họ cũng mất gần nửa đời người, ra đi để làm lại từ đầu đâu phải dễ. Họ đành chấp nhận thực tế, tìm cách "chạy" đề tài hoặc làm thuê kiếm sống”.

Người có trình độ không ngừng bỏ khu vực nhà nước ra đi như vậy, nhưng dường như không có cố gắng nào giữ họ lại. Độc giả Đỗ Nhân Hoàng (dnhanhoang@...) chia sẻ điều bản thân nhận định sau 20 năm làm “người nhà nước”: “Tôi chưa bao giờ thấy các cán bộ lãnh đạo nhà nước giữ nhân viên, giữ cán bộ, giữ người giỏi. Nếu có thì chỉ là cho hết trách nhiệm, cho không bị phê bình là không giữ người".

Bởi lẽ muốn giữ được người tài, phải cho họ thấy họ có thể tìm được “minh chủ” trong khu vực nhà nước, hay như độc giả Van Lam (Manh_23450@yahoo.com.vn) phân tích: “Chỉ ở đâu có ‘sếp Lưu Gù’ thì mới có đất trong bộ máy công chức cho các ‘Lưu Gù cấp dưới’”.

Trách nhiệm cá nhân

Tuy vậy, công chức giỏi ra đi có phải luôn là “nạn nhân” của môi trường làm việc kiểu nhà nước? Câu hỏi độc giả Lê Vân Phương (phuonglv1973@...) đặt ra cho nhân vật trong bài “Vì sao tôi dứt áo ra đi?" có lẽ cũng là một góc nhìn mang tính phản biện gợi nhiều suy nghĩ: “Nếu không có 17 năm làm nhà nước, 17 năm thiết lập các mối quan hệ, có ít nhiều khả năng tác động đến chính sách, liệu khi ra ngoài, người ta có trả lương cao đến thế?”

Tương tự, độc giả ở địa chỉ jack307b2@... cũng có một cách nhìn khác về “người giỏi trong các cơ quan nhà nước”: Đành rằng công tác nhân sự của các cơ quan nhà nước đang có rất nhiều vấn đề (về tuyển dụng, lương bổng, khen thưởng, bổ nhiệm) nhưng cũng phải công bằng, vì thực tế hiện nay rất nhiều người giỏi đã và đang thành đạt trong các cơ quan nhà nước; công việc quản lý nhà nước rất cần đến "Lưu Gù", nếu ai cũng vì cái tôi của mình trong một tập thể thì sẽ rất khó xác định chỗ đứng phù hợp.

Độc giả huedunglo@... thì khẳng định, nếu có cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân - kết quả tồi thì phải từ chức hoặc ra đi, kết quả tốt được tăng lương, thăng chức - gắn với chế độ lương hợp lý, tất yếu sẽ có những "Lưu Gù" tìm đến và ở lại, phấn đấu hết mình cho khu vực nhà nước.

Thủy Chung (tổng hợp)

Bài 3: Công chức dứt áo, quan chức lẫn lộn buồn vui