HTML clipboard

- 10.000 con hạc giấy biểu tượng của an lành, hi vọng trong văn hóa phương Đông cùng những thông điệp chia sẻ đã được các bạn sinh viên Việt Nam gửi tới Đại sứ quán Nhật Bản, để chuyển tới động viên những người dân Nhật đang vật lộn khắc phục thảm họa thiên nhiên.

Công việc này được thực hiện bởi các bạn sinh viên Việt Nam và quốc tế trong chương trình "Chia sẻ với những người bạn Nhật Bản" tổ chức tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) sáng 23/3.

Một phút tưởng niệm cho những nạn nhân của thảm họa thiên nhiên Nhật Bản.
 
 

Ký tên và viết lời cầu nguyện
 

 

 

 
 

Tỉ mẩn gấp từng cánh hạc
 

Đồng cảm, sẻ chia với những mất mát của nhân dân Nhật Bản, rất đông các bạn sinh viên đã đến ủng hộ chương trình. Bạn Lê Thị Liên (lớp Báo chí K53, ĐH KHXH&NV) cho biết: "Thấy cảnh nước bạn bị trận động đất và sóng thần tàn phá, mình thật sự muốn làm một điều gì đó để chia sẻ với họ. Sinh viên tụi mình eo hẹp về tài chính thì có thể ủng hộ tinh thần".

Các bạn sinh viên tin rằng, hoạt động này không hề phi thực tế, mà trái lại sẽ cổ vũ, động viên tinh thần người dân Nhật Bản rất nhiều. "Dù đối mặt với những khó khăn người Nhật Bản vẫn giữ được tinh thần đoàn kết, kiên cường. Nhìn những đoàn người xếp hàng kiên nhẫn chờ phát lương thực mình nghĩ cơm áo đối với họ không phải là mối quan tâm hàng đầu của họ, họ cần động viên tinh thần hơn", Hoàng Thị Thu Trang (K55, Lớp Nhật Bản học, ĐH KHXH&NV) bày tỏ.

Đại sứ quán Nhật Bản nhận tấm lòng của sinh viên Việt
 

Cùng ngân khúc ca cầu nguyện cho Nhật Bản
 
TS. Nguyễn Quang Liệu, trưởng ban tổ chức chương trình cũng khẳng định, đúng là người dân Nhật Bản đang rất cần cứu tế lương thực, thực phẩm nhưng họ cũng cần rất nhiều những lời sẻ chia, động viên. Dù nếu so tỷ giá đồng Yên và đồng Việt Nam thì ủng hộ về kinh tế của sinh viên không giúp ích được nhiều. Tùy hoàn cảnh, điều kiện của mình mà tìm cách ủng hộ cho thích hợp.
 

Đây là hoạt động thể hiện sự sẻ chia của sinh viên Việt Nam với người dân Nhật

 

"Qua đây, chúng tôi cũng muốn phát triển những giá trị nhân văn mà bất cứ sinh viên ngành khoa học xã hội nào cũng đều cần thấu hiểu. Sinh viên đến trường không chỉ để tiếp thu kiến thức mà còn bồi đắp lòng trắc ẩn, tình thương yêu con người, ý thức trách nhiệm chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình trong xã hội", ông Liệu nói.

Ý nghĩa của biểu tượng hạc giấy đối với người Nhật Bản

Trong văn hóa phương Đông, chim hạc là biểu tượng của an lành, hi vọng, là ước nguyện về những điều tốt đẹp của con người.

Nghệ thuật xếp giấy (origami) là 1 trong những nét đẹp văn hóa đặc thù của người Nhật Bản. Theo truyền thuyết kể lại, nếu ai đó tự mình xếp được 1.000 con hạc giấy hoặc được ai đó xếp cho mình 1.000 con hạc giấy thì điều ước, điều mong muốn của họ sẽ thành hiện thực.

Đó là một câu chuyện kể về bé gái 12 tuổi tên Sadako Sasaki bị bệnh ung thư máu sau thảm họa Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima nơi cô bé đang sống. Một người bạn của Sadako kể lại cho cô bé nghe về truyền thuyết: ai gấp được 1.000 con hạc hay nhận được 1.000 con hạc thì 1 điều ước nguyện sẽ thành hiện thực.

Sadako muốn tự tay mình xếp 1.000 con hạc với ước mong mau chóng khỏi bệnh. Vào thời bấy giờ, giấy vẫn còn là 1 thứ gì đó xa xỉ , đắt tiền nên cô bé đã sử dụng giấy trên bao thuốc, hộp thuốc hay bất kỳ tờ giấy nào cô bé có được để xếp hạc.

Mặc cho cơn đau bệnh tật vò xé, cô bé vẫn tiếp tục kiên trì xếp hết con hạc này đến con hạc khác. Cuối cùng thì bệnh tình của cô bé trở nặng và không thể đi lại, cử động được nữa, số hạc cô bé xếp được dừng lại ở con số 644. 

Tháng 10 năm 1955, sau 8 tháng nằm viện, cô bé Sadako đã lìa trần.

Sau khi Sadako mất, nhân dân Nhật Bản đã dựng tượng đài với biểu tượng cô bé Sadako tay cầm giơ cao hạc giấy đứng trên quả bom nguyên tử đặt tại trung tâm công viên Hòa Bình thành phố Hiroshima. Sadako đã trở thành biểu tượng cho khác vọng sống, nghị lực, hòa bình và hy vọng.

Hàng ngày, có hàng ngàn hàng vạn con hạc giấy đã được gấp và gửi về đặt dưới chân tượng Sadako, thể hiện khác vọng hòa bình của dân tộc trên toàn thế giới, đúng như dòng chữ được khắc dưới chân tượng đài: “Chúng tôi có 1 ước nguyện tha thiết là 1 nền hòa bình trên trái đất thân yêu”.


Bài: La Hoàn

Ảnh: Khúc Lương