- Trong sự cố sập cầu Ghềnh, nếu không có một số người dân và nhân viên gác chắn bình tĩnh, nhanh trí dừng đoàn tàu đang lao tới...thì hậu quả chắc còn nặng nề hơn.

Công đầu thuộc về anh Huỳnh Ngọc Sơn (tên thường gọi là Hoà, người dân KP4, P.Bửu Hòa, nhà cách địa điểm sập cầu khoảng 100m) đã phát hiện vụ sập cầu, hô hoán ra hiệu cho nhân viên gác chắn biết để nhanh chóng triển khai hiệu lệnh dừng tàu. 

{keywords}
Hiện trường vụ sập cầu Ghềnh

Các anh Phạm Tiến Dũng, Ngô Viết Hải, Đào Anh Tuấn (nhân viên gác chắn) những người nhanh trí ra hiệu lệnh dừng tàu, tránh được một thảm họa kép có nguy cơ xảy ra... 

Gặp anh Sơn tại nhà riêng ngay mé sông Đồng Nai, cách hiện trường vụ sập cầu Ghềnh khoảng gần 100m. Trò chuyện với P.V VietNamNet, anh Sơn nhớ lại giây phút kinh hoàng đó, anh đang ngồi sửa xe trước sân nhà thì nghe một tiếng động như bom nổ phát ra từ hướng cầu Ghềnh. Anh nghĩ có chuyện không hay nên nhanh chóng lao ra đường ray sau nhà thì phát hiện cầu Ghềnh bị sập. 

Lúc này một cột sóng và bụi bay lên mù trời. Hoảng sợ, anh quay lại hướng phía gác chắn chợ Đồn vừa la hét thông báo cầu sập đồng thời vẫy hai tay ra hiệu.

“Khi đó sợ quá nên tôi chỉ biết hét lớn để mọi người làm được gì thì làm chứ không nghĩ gì được nữa”.

{keywords}
Anh Hòa, người đầu tiên phát hiện vụ sập cầu và báo tin cho các nhân viên gác chắn, ngăn kịp thời thảm họa

Thấy anh Sơn giơ tay ra hiệu và hét cầu sập, một nhân viên gác chắn tay cầm cờ đỏ chạy về hướng anh Sơn. Lúc này, nhiều người dân khác cũng có mặt và cùng hét lớn để truyền tải thông tin tới các nhân viên gác chắn.

“Tôi không nghĩ là có một đoàn tàu đang đến, sau đó mới biết nhân viên gác chắn đã kịp thời cho dừng tàu.

Chúng tôi đến tại gác chắn gặp anh Phạm Tiến Dũng (người đã kịp thời ra tín hiệu dừng tàu hỏa tránh thảm họa). Anh Dũng vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại sự việc xảy ra vào trưa ngày 20/3. Nếu chuyến tàu không được dừng kịp thời thì đó là thảm họa vô cùng lớn.

Anh Dũng nhớ lại: vào thời điểm trên, khi nhân viên trực đang chờ tàu đến đoạn đường ngang thì phát hiện 1 người dân chạy từ phía cầu Ghềnh đến, vừa chạy vừa la hét. Người này kêu lớn: “sập cầu Ghềnh rồi, cầu sập xuống sông rồi”, thấy người này có vẻ rất hoảng sợ, lại làm dấu nên anh Ngô Viết Hải, anh Đào Anh Tuấn (đồng nghiệp anh Dũng) chạy về phía cầu để kiểm tra. Còn anh Dũng chạy trên đường sắt về hướng Bình Dương để ra tín hiệu dừng tàu khẩn cấp. 

{keywords}
Vị trí tàu dừng cách điểm sập cầu hơn 100 m

“Hôm qua trời nắng như đổ lửa, rất mệt nhưng tôi vẫn cố vắt chân lên cổ mà chạy. Lúc đó tôi rất sợ, chỉ sợ không kịp thì sẽ là họa lớn. Tôi cố chạy càng xa cầu Ghềnh càng tốt để gặp tàu xa hiện trường, mong “cứu vãn” tình thế. May mắn tôi chạy được quãng đường thì đoàn tàu cũng đến...nên ra hiệu lệnh dừng tàu. 

Lúc này tàu chạy tốc độ khoảng 40km/h nên hãm phanh cũng phải khoảng 100m mới có thể dừng được. Tàu dừng được tôi mới thấy bớt lo và gọi báo lãnh đạo ga”, anh Dũng kể lại.

Liên quan đến vụ sập cầu Ghềnh, trưa 21/3, công đoàn Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã khen thưởng nóng đối với 3 nhân viên trạm gác chắn tàu Bửu Hòa (tại Km1700+174, gần cầu Ghềnh), vì đã nhanh nhạy dừng tàu kịp thời, giúp một đoàn tàu chở hàng khỏi rơi xuống sông.

Theo những nhân viên trạm gác chắn, việc kịp thời dừng tàu tránh được sự cố nguy hiểm trên là nhờ tin báo của anh Hoà. Việc làm của anh Hoà rất cần được ghi nhận, động viên.

Hùng Anh