- Giám sát là chức năng cơ bản của Quốc hội, là công cụ quan trọng để thực hiện quyền lực của nhân dân.

Tổng kết nhiều nhiệm kỳ Quốc hội gần đây đều đánh giá: Giám sát vẫn còn là khâu yếu. Một trong những nguyên nhân làm cho hiệu quả giám sát hạn chế chính là thiếu chế tài.

Nghị quyết 35/2012/QH13 ra đời, đáp ứng một yêu cầu quan trọng là nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội – tăng chế tài giám sát. Qua công cụ chế tài đó giúp cho các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn có biện pháp phấn đấu, rèn luyện để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

{keywords}
ĐBQH Bùi Thị An. Ảnh: Minh Thăng

Tháng 6/2013, lần đầu tiên trong lịch sử chế tài này được thực hiện trên thực tế. Qua một năm nhìn lại, dù có những điểm còn phải rút kinh nghiệm, phải cải tiến, nhưng rõ ràng chế tài giám sát này đã minh chứng cho hiệu quả thiết thực của nó, minh chứng cho những luận cứ hoàn toàn đúng đắn mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra năm 2012 khi trình Quốc hội về sự cần thiết ra đời của nghị quyết này.

Gần ba năm kể từ khi Quốc hội phê chuẩn các thành viên Chính phủ, một năm kể từ khi lấy phiếu tín nhiệm với bao bộn bề công việc, bao khó khăn vất vả của những người đứng đầu bộ, ngành và cùng với đó là sự giám sát gắt gao của các đại biểu của dân với bao phiên chất vấn đầy “chất lửa”.

Đến nay, thẳng thắn mà nhìn nhận thì ngay đến cả những đại biểu có tiếng là “khó tính” cũng đã rất công tâm khi đánh giá sự chuyển biến tích cực trong kết quả hoạt động của một số chức danh.

Tại phiên thảo luận về sửa đổi Nghị quyết 35 chiều 13/6 vừa qua, tên của Bộ trưởng Đinh La Thăng và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình được nhiều đại biểu nhắc đến khi nói về hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền thì “có nhiều đồng chí có cơ hội rất tốt, ví dụ Bộ trưởng Giao thông, Thống đốc Ngân hàng, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư và một số bộ trưởng khác rất tích cực”.

Các đại biểu Danh Út, Bùi Thị An và nhiều đại biểu khác cũng đồng tình nhận định: “Thực tế việc lấy phiếu tín nhiệm đã có tác dụng tốt, khá nhiều chức danh đã thực sự lo lắng, nhất là có những người có số phiếu tín nhiệm thấp đã vươn lên rất nhiều, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; thực tế một năm qua một số Bộ trưởng đã tự điều chính, được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước ghi nhận”.

Ý kiến nhiều đại biểu tại các phiên thảo luận khác và trao đổi bên hành lang kỳ họp cũng đồng thuận với những nhận định này.

Là người đại diện cử tri, mỗi đại biểu của dân đều xác định mình cần phải rất nghiêm khắc trong đánh giá nhưng cũng rất công bằng, công tâm trước thái độ cầu thị, nghiêm túc, sự nhanh nhạy, linh hoạt trong thái độ ứng xử trước các sự cố của người dân, trước các sự kiện của đất nước, cũng như những chuyển biến trong hành động của các bộ trưởng, trưởng ngành.

Và cuối cùng, kết quả thực tiễn điều hành trên các mặt kinh tế xã hội của từng ngành, từng lĩnh vực là thước đo, là minh chứng cụ thể nhất cho những chuyển biến đó.

Đây cũng chính là mục đích mà người dân mong đợi nhất đối với hiệu quả của chế tài giám sát này. Vấn đề còn lại trong mấy ngày tới đây, đại biểu Quốc hội cần phải thể hiện đúng nguyện vọng của cử tri theo đó: những điểm của Nghị quyết 35 mà người dân khen thì tìm cách phát huy, những điểm người dân chê thì phải chỉnh sửa để Quốc hội thực sự là người đại diện cao nhất cho ý chí và nguyện vọng của người dân.

Hương Giang