Trong ngày 17/7, hàng ngàn công nhân ở Công ty TNHH Prex Vinh (Đô Lương, Nghệ An) đồng loạt đình công, gửi thông điệp đòi quyền lợi.

Đầu giờ làm sáng 17/7, hơn 2.500 công nhân Cty TNHH Prex Vinh (có 100% vốn Hàn Quốc, đóng tại xã Lạc Sơn, Đô Lương) tụ tập trước cổng công ty đình công, yêu cầu đối chất với lãnh đạo để giải quyết quyền lợi.

Trao đổi với phóng viên, các công nhân cho biết thời gian qua, các quyền lợi, chế độ liên quan đến người lao động như lương, thưởng, chế độ làm tăng ca, tăng giờ, cơm bữa trưa… không được đảm bảo.

Hơn nữa, công nhân thường xuyên đối mặt với thái độ mạt sát của chủ sử dụng lao động.

{keywords}

Công nhân đình công ở Cty TNHH Prex Vinh vào sáng 17/7

 

Chị T. (28 tuổi, xã Mỹ Sơn, Đô Lương) công nhân làm việc ở Prex Vinh hơn 1 năm cho biết: “Thời điểm mới vào làm, họ trả 1.455.000 đồng mỗi tháng.

Hiện tại lương của tôi tăng lên 1.750.000 đồng, ngoài ra có được hỗ trợ 180.000 đồng tiền độc hại và 300.000 đồng ăn trưa (tương đương 11.500 đồng/1 bữa – PV). Thu nhập thì quá thấp nhưng áp lực làm việc tại đây lúc nào cũng căng thẳng”.

Chị N.T.B (SN 1991, trú Nhân Sơn, Đô Lương) cho biết:

“Ngày làm gần 10 tiếng nhưng thu nhập của chúng tôi quá bèo bọt. Đã thế có lúc công nhân xong việc ra về sớm ít giây (công ty kiểm soát việc ra vào bằng cách quẹt thẻ) cũng bị tính để trừ lương. Mỗi tháng chỉ được nghỉ đúng ngày thứ 7 tuần 2. Những ngày khác dù có mệt cũng phải đi làm”.

Qua khảo sát, các lý do khiến công nhân bức xúc còn có việc công ty trả lương không nhất quán, không đều nhau ở cùng 1 bộ phận, không công bằng giữa công nhân mới vào nghề và người có thâm niên.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, LĐLĐ huyện Đô Lương do ông Nguyễn Đăng Hồng, Chủ tịch Liên đoàn trực tiếp xuống nắm tình hình hình. Tuy thế, phía Prex Vinh vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

Trước đó, từ ngày 11 - 14/5/2012, gần 1.000 công nhân của Prex Vinh đã đình công đòi các quyền lợi. Ngay sau đó, lãnh đạo công ty đã chấm dứt hợp đồng với 8 công nhân, vốn là nhóm đã đại diện cho hàng ngàn người để phản ánh nguyện vọng người lao động.

Cũng trong sáng 17/7, hàng trăm công nhân thuộc nhà máy may Nam Đàn Hanosimex (cụm công nghiệp Nam Giang, Nam Đàn) đã bỏ việc ra về.

Theo phán ảnh của các công nhân, nguyên nhân khiến họ đòi nghỉ việc là do nhà máy trả tiền lương quá thấp, không đủ chi phí. Ngoài ra, với cách chi trả lương của nhà máy, số tiền hàng tháng của công nhân nhận được không thực sự rõ ràng; không biết số tiền mình được nhận tính như thế nào.

Trước sự việc căng thẳng, Giám đốc Nam Đàn Hanosimex Trần Tiến Dũng lý giải: “Nguyên do là các công nhân chưa hiểu được cách tính lương. Theo quy định của công ty, ngày 15 hàng tháng trả tiền lương.

Tại nhà máy, lương ăn theo sản phẩm, khi sản phẩm thấp thì chắc chắn rằng thu nhập không thể cao được. Thấy tình hình như vậy sẽ gây khó khăn cho người lao động, nên chúng tôi đã tổ chức bù lương cho công nhân. Đối với những lao động làm 27 ngày công chúng tôi bù cấp 1.730.000 đồng, còn làm 26 ngày là hơn 1.650.000 đồng/lao động/tháng”.

Cao Thái