- Phát biểu tại Hội thảo kỷ niệm hai mươi năm bình thường hoá quan hệ sáng nay (7/8), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Hoa Kỳ không chấp nhận bất kỳ hành động khiêu khích, gây căng thẳng hay mưu toan quân sự hoá khu vực Biển Đông.

Ông cũng tái khẳng định lập trường của Hoa Kỳ không đứng về phía nào trong các tranh chấp chủ quyền nhưng ủng hộ tự do lưu thông hàng hải và giải quyết hoà bình các tranh chấp ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại nguyên tắc căn bản trong việc phân xử các tranh chấp chủ quyền rằng “thường thì nước nào có lập luận tốt hơn, bằng chứng tốt hơn sẽ giành ưu thế, chứ không phải do anh có quân đội mạnh hơn”.

Quyết định chính trị táo bạo

Vẫn phải chống nạng lên phát biểu nhưng thần sắc của Ngoại trưởng Mỹ vẫn tỏ ra tươi tắn như thường lệ. Ông tỏ ra xúc động khi kể lại những kỷ niệm sâu sắc trong suốt hai mươi năm bình thường hoá và phát triển quan hệ Việt – Mỹ mà ông đóng vai trò trụ cột.

{keywords}
 

“Quá trình bình thường hoá quan hệ rất chậm chạp, kĩ càng, với không biết bao nhiêu công việc nặng nhọc, đòi hỏi nhiều can đảm và sự kiên trì từ cả hai bên. Chúng tôi biết rằng không thể bình thường hoá quan hệ nếu không giải quyết được những vấn đề liên quan đến lính Mỹ mất tích trong chiến tranh”.

Chung mục tiêu bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ, hai đối thủ chính trị tưởng như không đội trời chung là John Kerry và John McCain đã bắt tay nhau, nương tựa vào nhau, cùng tìm ra tiếng nói chung và vượt qua những phản đối gay gắt trên chính trường nước Mỹ.

“Tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc tôi và ông McCain cùng đứng trong căn phòng ở Hoả Lò, nơi từng giam giữ ông ấy trong chiến tranh. Ông ấy đã chia sẻ với tôi những ký ức không thể quên trong thời gian ấy”, ông Kerry nhớ lại.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói ông chân thành biết ơn ông John McCain, những người bạn bè, cộng sự từ cả hai phía Việt Nam và Mỹ đã nỗ lực không mệt mỏi để giúp giải quyết vấn đề lính Mỹ mất tích trong chiến tranh.

{keywords}
 

“Họ (những người VN) đã đưa chúng tôi vào từng ngôi nhà của họ, cho phép chúng tôi đào bới ở những nơi nhạy cảm, thậm chí dắt chúng tôi vào những nơi chính xác vẫn còn là một bãi mìn. Tôi đã tiến hành khoảng 16-17 chuyến đi như vậy và hành trình ấy đồng thời cũng làm sống lại trong tôi những kỷ niệm mà bản thân mình đã trải nghiệm khi còn là chàng trai trẻ chiến đấu ở nơi này. Cùng nhau, chúng tôi đã tìm được câu trả lời cho hàng trăm gia đình có con em bị mất tích trong chiến tranh. Có những người Việt Nam đã bỏ ra hàng chục năm trong cuộc đời họ để tiến hành công việc này và hành trình đó vẫn còn tiếp tục”.

Vị chính khách Mỹ kỳ cựu muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những người bạn phía Việt Nam như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Lê Đức Anh...những người đã đóng vai trò vô cùng quan trọng, dám đưa ra những quyết định khó khăn về mặt chính trị trong thời điểm ấy để thúc đẩy tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ.

Một trong những quyết định táo bạo về mặt chính trị lúc bấy giờ được ông Thomas Vallely, bạn tri kỷ của ông John Kerry chia sẻ rằng khi tiến trình bình thường hoá quan hệ bị cản lại tại Quốc hội Mỹ do những lời đồn rằng Việt Nam vẫn còn giấu tù binh Mỹ ở những nơi rất nhạy cảm như lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã quyết định mời một nhóm công tác đặc biệt trong đó có TNS John Kerry sang Việt Nam điều tra. Đoàn được quyền tiếp cận những nơi cực kỳ nhạy cảm như lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, báo cáo của đoàn đã đóng vai trò quyết định, đập tan những nghi ngờ, phản đối, giúp Tổng thống Bill Clinton ra quyết định lịch sử xoá bỏ cấm vận cho Việt Nam.

{keywords}
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius

“Chúng ta cần phải nói rõ tiến trình hoà giải không phải để quên đi quá khứ. Bởi quên đi quá khứ đau thương ấy chúng ta sẽ không thể học được bài học nào cả. Nhưng tôi cũng luôn mong mỏi một ngày nào đó, những người Mỹ khi nghe đến tiếng Việt Nam sẽ nghĩ về một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến tranh. Và ngày hôm nay, chúng ta đã đạt được điều đó”.

Tầm nhìn hai mươi năm tới

Điểm lại những cột mốc trọng đại trong tiến trình hai mươi năm bình thường hoá và phát triển quan hệ, Ngoại trưởng Mỹ dành nhiều thời gian nhắc đến những dự án đặc biệt như Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong, tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương.

{keywords}

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Hoa Kỳ không chấp nhận bất kỳ hành động khiêu khích, gây căng thẳng hay mưu toan quân sự hoá khu vực Biển Đông.

Ông John Kerry nhắc đến dự án thành lập trường Đại học Fulbright mà cá nhân ông có vai trò đặc biệt. Ông cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã ủng hộ mạnh mẽ cho dự án này với việc trao giấy chứng nhận đầu tư và cấp đất xây trường vào tháng trước, nhân chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Một trong những thành tựu hợp tác mà ông Kerry cho biết mình đã không thể tưởng tượng nổi có thể diễn ra lúc hoạch định tầm nhìn quan hệ vào hai mươi năm trước, đó là hợp tác an ninh.

{keywords}
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh

“Giờ đây, Việt Nam là đối tác quan trọng trong sáng kiến bảo vệ hoà bình của Liên Hiệp Quốc. Cùng với Anh quốc, Hoa Kỳ đang giúp đỡ Việt Nam chuẩn bị cho việc điều quân tham gia Lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ”.

Khép lại chặng đường hai mươi năm, Ngoại trưởng John Kerry cho rằng “Chúng ta đang ở đây là bằng chứng sống động nhất chứng tỏ số phận đã không bắt chúng ta giữ lại quá khứ, rằng chúng ta phải dùng tin cậy để thay thế cho sự nghi kỵ, sự tôn trọng thay cho ghét bỏ”. Nhờ thế, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tạo ra kì tích mà chưa có quan hệ song phương giữa hai nước nào làm được trong thời gian như vậy.

Ngoại trưởng Mỹ cũng tái khẳng định lập trường rằng Hoa Kỳ luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền và hệ thống chính trị của Việt Nam.

{keywords}

“Chúng tôi luôn hiểu rằng, chỉ có người Việt Nam mới có quyền quyết định hệ thống chính trị của họ. Nhưng chúng tôi cũng tin rằng những giá trị nền tảng và quyền nhân bản của con người sẽ giúp bảo vệ lợi ích của Việt Nam trong nhiều cách”.

Nói về tầm nhìn hai mươi năm tới, ông Kerry chia sẻ bằng một câu chuyện:
“Mùa xuân năm rồi, Đại sứ Ted Osius đã cùng với ông Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinovski và các người bạn bên Bộ Ngoại giao Việt Nam trèo lên đỉnh núi cao nhất Việt Nam là đỉnh Phanxipang. Ông ấy chia sẻ với tôi rằng chuyến đi rất cực nhọc, trời tối, mưa. Nhưng cuối cùng họ cũng lên đến đỉnh. Chúng ta cũng như vậy. Trong chặng đường đi hai mươi năm tới, sẽ có nhiều đồi cao, nhiều con dốc phải trèo lên nhưng phía trước luôn là bầu trời. Cùng nhau, hai nước chúng ta sẽ đấu tranh cho một tương lai thịnh vượng”.

Việt Lâm

Ảnh: Lê Anh Dũng