- Hội đồng Quốc phòng và An ninh phải hoạt động ngay cả trong thời bình, nếu không thì vai trò sẽ rất hình thức - Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa phát biểu, nhân thảo luận tổ về dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

Ông Nguyễn Kim Khoa nói:

Tư tưởng Hiến pháp hiện hành cũng như bản dự thảo sửa đổi vẫn bảo lưu quan điểm Hội đồng Quốc phòng An ninh chỉ hoạt động khi xảy ra tình huống chiến tranh.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu cứ giữ nguyên quy định như thế này thì vai trò của Hội đồng quốc phòng và an ninh rất hình thức chứ không phát huy được hiệu quả hoạt động trên thực tế.

{keywords}

Chiến sĩ hải quân đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Bình Minh

Hội đồng Quốc phòng An ninh phải hoạt động kể cả trong điều kiện bình thường hay chiến tranh và quy định này phải được luật định. Bởi giữ vững an ninh quốc gia trong tình hình mới cũng chính là bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Như vậy, Hội đồng Quốc phòng An ninh phải làm nhiệm vụ bảo vệ sự ổn định đó và đồng thời cũng sẵn sàng lực lượng trong tình huống đặc biệt là đất nước có chiến tranh.

Hiến pháp lần này cũng đã mở rộng quyền của Chủ tịch nước, theo đó Chủ tịch nước được khẳng định là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang.

Nên hiểu nội hàm "thống lĩnh" này như thế nào.

Thứ nhất là vai trò quyết định về mặt tổ chức. Thứ hai là quyết định về việc phong thăng quân hàm cho tướng lĩnh hoặc cán bộ cao cấp trong lực lượng vũ trang. Và thứ ba là điều động sử dụng lực lượng vũ trang.

Từ Hiến pháp năm 1946 chúng ta đã khẳng định vai trò Chủ tịch nước. Các Hiến pháp sau đó cũng bắt đầu khẳng định vai trò Chủ tịch nước trong thống lĩnh các lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, thời gian qua, vị trí này vẫn chưa được làm rõ. Đặc biệt vai trò của Chủ tịch nước trong  phong thăng quân hàm và bổ nhiệm chức vụ của lực lượng vũ trang.

Hiến pháp năm 1992 ghi rõ vai trò của Chủ tịch nước là quyết định hàm cấp, kể cả quân hàm và cấp bậc chức vụ của sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang. Nhưng hiểu thế nào là cao cấp? Đến cấp nào mới là cao cấp. 

Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi đã làm rõ hơn các thẩm quyền này, nhất là việc phong thăng quân hàm cấp tướng. Và theo như Hiến pháp sửa đổi thì vị trí cao cấp ở đây  mà Chủ tịch nước có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức là Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý: Về thẩm quyền phong hàm cấp tướng và bổ nhiệm các chức danh trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trong quá trình lấy ý kiến nhân dân nổi lên hai luồng ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị ngoài thẩm quyền phong hàm, cần bổ sung quy định về thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân; đồng thời, ngoài việc bổ nhiệm, cần bổ sung việc miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, Chủ tịch nước với tư cách thống lĩnh các lực lượng vũ trang nên cần thiết phải quy định thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức vụ tư lệnh Quân khu, Quân chủng, Quân đoàn và tương đương vì đây là các chức danh chỉ huy quân đội, chứ không phải chức danh quản lý nhà nước.

Ban soạn thảo tiếp thu theo hướng: Chủ tịch nước giữ vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Lê Nhung