UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phân bố đủ số vốn đầu tư công từ ngân sách Trung ương theo nhu cầu vốn của TP trong năm 2022.

Hôm 13/9 vừa qua, UBND TP.HCM có công văn khiến nghị Trung ương đăng ký nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 là hơn 5.200 tỷ đồng (ngân sách Trung ương vốn trong nước gần 2.000 tỷ đồng và ngân sách Trung ương vốn nước ngoài là hơn 3.200 tỷ đồng).

Tuy nhiên, mới đây Bộ KH-ĐT thông báo dự kiến phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho TP.HCM năm 2022 khoảng 2.479 tỷ đồng (nguồn ngân sách Trung ương vốn trong nước hơn 1.768 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 711 tỷ đồng).

{keywords}
Tuyến metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) trong năm nay có nhu cầu bổ sung hơn 1.444 tỷ đồng để triển khai các phần việc

UBND TP cho rằng, đầu tư công là động lực rất quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế TP sau dịch Covid-19. TP.HCM cũng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch vừa qua và có vai trò lớn trong đóng góp tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách Trung ương năm 2022 được Bộ KH-ĐT dự kiến phân bổ cho TP thấp hơn kế hoạch là hơn 2.700 tỷ đồng. Mức này chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của TP trong năm 2022.

Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ xem xét, báo cáo, đề xuất Thủ tướng chấp thuận phân bố thêm vốn ngân sách Trung ương cho TP thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm.

Cụ thể, TP.HCM đề nghị bổ sung đủ nguồn vốn ngân sách Trung ương vốn trong nước là 180 tỷ đồng để thực hiện dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh).

Kiến nghị bổ sung ngân sách Trung ương vốn nước ngoài theo nhu cầu của TP trong năm 2022 là hơn 1.870 tỷ đồng.

Bao gồm bổ sung 176 tỷ đồng đủ vốn cho dự án Cải thiện môi trường nước TP, lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2; bổ sung 200 tỷ đồng cho dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2; bố trí bổ sung 50 tỷ đồng cho dự án Hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM; hơn 1.444 tỷ đồng cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (metro Bến Thành - Suối Tiên).

Đặc biệt, TP.HCM cũng đề nghị Trung ương ưu tiên, bố trí bổ sung hơn 17.000 tỷ đồng cho TP trong năm 2022 và trong giai đoạn trung hạn 2021-2025 để đầu tư các dự án trọng điểm cấp bách.

Bao gồm dự án Xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài với tổng mức đầu tư dự kiến là 15.900 tỷ đồng và nhu cầu vốn ngân sách Trung ương là 5.901 tỷ đồng để hỗ trợ TP thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) với tổng mức đầu tư dự kiến là 9.353 tỷ đồng nhu cầu vốn ngân sách Trung ương là 9.353 tỷ đồng.

Dự án Cải tạo kênh Hy Vọng với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.980 tỷ đồng và nhu cầu vốn ngân sách Trung ương là 1.980 tỷ đồng.

Tuấn Kiệt

Đề xuất 225.000 tỷ đồng làm 59 dự án trọng điểm ở TP.HCM

Đề xuất 225.000 tỷ đồng làm 59 dự án trọng điểm ở TP.HCM

Trong 5 năm tới, TP.HCM lên kế hoạch đầu tư 59 dự án giao thông trọng điểm với kinh phí hơn 225.000 tỷ đồng.