- Dự thảo luật Báo chí sửa đổi bổ sung quy định liên quan đến trang thông tin điện tử tổng hợp, nhưng mạng xã hội vẫn để ở các văn bản khác.

Giải trình tiếp thu luật Báo chí sửa đổi tại QH hôm nay, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Đào Trọng Thi cho biết tồn tại 2 loại ý kiến liên quan đến các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội.

Một bên muốn quy định hai hình thức này vào luật, nhưng ĐB khác cho rằng chỉ để điều chỉnh theo các nghị định như hiện nay. 

{keywords}
Ông Đào Trọng Thi: Mạng xã hội được điều chỉnh theo nghị định 72 và 174

UB Thường vụ QH cho rằng, trang thông tin điện tử tổng hợp có người xuất bản, biên tập, chịu trách nhiệm và phải có giấy phép. Mạng xã hội lại hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm.

Do đó, dự thảo luật bổ sung một số quy định phù hợp với đặc điểm của trang thông tin điện tử tổng hợp, còn mạng xã hội vẫn để các văn bản pháp luật khác điều chỉnh (nghị định 72 và 174 năm 2013).

Cấm đe dọa, cản trở nhà báo

Một trong những quan điểm tranh luận ở kỳ họp trước, đó là cần coi nhà báo đang tác nghiệp là người thi hành công vụ để có cơ chế bảo vệ.

Giải trình thẩm tra tại lần sửa đổi này, ông Đào Trọng Thi cho rằng, nhà báo tác nghiệp cũng nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội, nhưng không nhân danh Nhà nước, không đại diện cho Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ của mình, mà hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. 

"Không thể coi hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ", ông nói.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, để bảo vệ nhà báo, dự thảo luật quy định: “Nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Bộ luật Dân sự, Hình sự cũng có quy định xử phạt đối với những hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp như hành hung hay làm thiệt hại tài sản của nhà báo...

Việc bảo vệ người cung cấp thông tin cho báo chí cũng có ý kiến khác nhau. Có ĐB đề nghị không nên yêu cầu tiết lộ người cung cấp thông tin cho việc điều tra xét xử tội phạm nghiêm trọng vì loại tội phạm này rất phổ biến, gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin.

Dự thảo luật theo đó bổ sung: “Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp bảo vệ người cung cấp thông tin”.

Dự thảo luật cũng điều chỉnh theo hướng không tách người đứng đầu cơ quan báo chí và tổng biên tập thành hai chức danh, vì không phù hợp với những cơ quan báo chí có một loại hình, ít sản phẩm, làm tăng thêm chức danh, phát sinh biên chế.

Chung Hoàng