- Vai trò  của chức năng giám sát Quốc hội, thực trạng và đề xuất nâng cao hiệu quả thực thi… là một số nội dung trọng tâm được thảo luận trong Hội thảo Hoạt động giám sát của Quốc hội trong cơ chế giám sát quyền lực nhà nước, do Viện Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 03/06/2011. 

Quốc hội phải độc lập  

“Sinh sau đẻ muộn” so với chức năng hành pháp, song giám sát ngày càng trở thành chức năng chính yếu, thậm chí vượt cả lên trên chức năng lập pháp. “Giám sát là số 1, sau đó mới đến lập pháp”, đó là quan điểm của TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện giám sát lại đang là  chức năng yếu nhất trong các chức năng của Quốc hội. Từ kinh nghiệm tham gia ba nhiệm kỳ đại biểu quốc hội, TS. Phạm Quý Tỵ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội, cho biết trong các báo cáo cuối nhiệm kỳ, chức năng giám sát luôn được xếp “đầu bảng” yếu kém. 

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, vì vậy giám sát của Quốc hội là giám sát tối cao. Song, ở cơ chế hiện nay đang tồn tại một mâu thuẫn: quyee luật là tối cao nhưng thực chất việc thực thi quyền lực lại rất hạn chế, chưa hiệu quả. 

Sở dĩ  như vậy, theo GS.TS. Đào Trí Úc, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, là do quốc hội vẫn còn là chủ thể mang “tính đại diện chung chung” cho quyền lực nhà nước, mà còn thiếu chế tài, tính bắt buộc để hiện thực hóa quyền lực này. “Cơ chế giám sát Quốc hội phải từ hình thức giám sát chính trị đơn thuần sang giám sát chính trị - pháp lý”, ông Úc nhận xét.  

Muốn hoạt  động hiệu quả, một điểm cốt yếu là  Quốc hội phải độc lập, “Quốc hội chỉ là cơ quan hình thức nếu như không độc lập”, TS.Thái Vĩnh Thắng (Đại học Luật), khẳng định.  

Điều này thể hiện ở chỗ Quốc hội phải có quyền. Ví dụ, nếu chính phủ hoạt động yếu kém thì phải có quyền bãi nhiễm chính phủ, đưa vấn đề ra chất vấn mà không trả lời được thì có thể bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, v.v… 

Các thành viên hội thảo cũng chỉ  ra nguyên nhân và giải pháp từ khía cạnh chủ thể giám sát: trong giám sát quốc hội, chủ thể giám sát không chỉ là quốc hội, mà còn là Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc các Ủy ban, Đoàn đại biểu Quốc hội, rồi đại biểu quốc hội.  

Trong đó, theo TS. Phạm Quý Tỵ, “chủ thể giám sát quan trọng nhất là Hội đồng dân tộc các Ủy ban”. Vì vậy cần tập trung đầu tư vào chủ thể này. Ngoài ra, TS. Phạm Quý Tỵ còn đề nghị cần nghiên cứu sửa luật tổ chức Quốc hội để giao cơ chế điều trần cho Hội đồng dân tộc các Ủy ban.  

Một giải pháp khác được hội thảo đưa ra là tăng cường các hoạt động hậu giám sát. Theo bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng Quốc hội, hoạt động này “có tác động rất lớn đến hiệu quả giám sát”. Tuy nhiên bà Thoa cũng thừa nhận, hiện hoạt động hậu giám sát vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu các kế hoạch và kinh phí. 

Chất vấn Quốc hội: nghe rất sướng nhưng… 

Theo nhiều  ý kiến đánh giá, trong 5 hình thức của hoạt  động giám sát hiện nay (giám sát văn bản; Văn bản quy phạm pháp luật; Chất vấn và trả lời chất vấn; Giám sát chuyên đề; Bỏ phiếu tín nhiệm) thì “rôm rả” nhất và thực hiện tốt nhất là chất vấn và trả lời chất vấn. Chất vấn đã trở nên có hiệu quả thực sự, rất được cử tri quan tâm theo dõi chứ không phải chỉ mang tính hình thức. 

Dẫn chứng cho nhận định này, một thành viên hội thảo chỉ ra hiện nay thậm chí một số bộ trưởng sợ chất vấn. Từng có những vị trưởng ngành gặp từng đại biểu quốc hội “xin tha” chất vấn tại nghị trường quốc hội. Việc chất vấn nghiêm túc cũng khiến các lãnh đạo đầu ngành cẩn trọng hơn khi đưa ra lời hứa, thậm chí… sợ không dám hứa. 

Tuy nhiên, ngay cả hoạt động chất vấn dù đã được cải tiến nhiều và thể hiện rõ không khí dân chủ ngày càng tăng, nhưng thực chất hiệu quả của hoạt động này vẫn còn là vấn đề cần xem xét. GS.TS. Đào Trí Úc nhận xét: “Chất vấn sôi nổi lắm, cũng có lúc dồn nén lắm, nghe rất sướng nhưng cuối cùng chỉ đến thế, chỉ đến lời hứa nhưng sau đó làm thế nào, hiệu quả bao nhiêu…? 

Một điểm yếu nữa của hoạt động này là thiếu “trọng tài” để đứng ra phân xử. Người trả lời chất vấn đã trả lời thỏa đáng chưa, nếu chưa thỏa đáng thì có thể đi tới bỏ phiếu tín nhiệm hay không? Điều này hiện nay đang bỏ ngỏ, rất hạn chế, phần đánh giá cuối cùng vẫn còn nhẹ nhàng, phần tổng kết còn chung chung, việc đánh giá kết quả thực hiện vẫn chưa rõ ràng.  

Quốc hội có nên giám sát các vụ án cụ thể? 

Một vấn  đề còn gây nhiều tranh cãi cũng được đưa ra thảo luận tại hội thảo là liệu Quốc hội có nên thực hiện việc giám sát các vụ án cụ thể. Với vai trò là cơ quan giám sát tối cao, liệu hoạt động giám sát này có khiến Quốc hội “sa đà” vào cây mà quên mất rừng? 

Có  một thực tế là rất nhiều vụ dân khiếu nại, đưa lên các cơ quan chức năng nhưng không giải quyết được, cuối cùng phải đưa ra Quốc hội và nhờ Quốc hội mà tháo gỡ được.  

Từ  thực tế công việc, TS. Phạm Quý  Tỵ chỉ ra mỗi tháng ủy ban tư pháp của ông nhận được khoảng 700 đơn của dân yêu cầu thực hiện giám sát vụ án cụ thể (1 năm gần là gần 10.000). 

Hội  đồng thẩm phán là cơ quan xét xử cao nhất của nhà nước, nhưng thực tế cho thấy không ít vụ án dù đã được đưa lên tận cấp cao nhất này nhưng vẫn bị xét xử oan sai. “Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, hình thức giám sát như vậy là cần thiết”, ông Tỵ nhận định. 

Vấn  đề quan trọng là Quốc hội sẽ  giám sát tới đâu, trong phạm vi nào. Các thành viên hội thảo đều nhất trí vai trò giám sát này sẽ không đồng nghĩa với việc Quốc hội làm thay hay “giẫm chân” lên vai trò của các cơ quan khác. Vấn đề cần thiết là phải xây dựng các tiêu chí để xác định được những vụ án, bản án nào cần đưa ra trước quốc hội.

Quốc hội cũng không thể làm thay nhiệm vụ giám đốc thẩm, nhưng ít nhất cũng phải làm một số vụ án để có cơ sở chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong công tác xét xử, đoàn thẩm phán sai đúng như thế nào, cần đào tạo ra sao, v.v… từ đó đưa ra kiến nghị. Giám sát chứ không làm thay, đưa ra kiến nghị chứ không bãi bỏ bản án.  

Mỹ  Hòa (thực hiện)