Trước thông tin về hoạt động nuôi cá trên vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) của người Trung Quốc, lãnh đạo Thành ủy Cam Ranh đã chỉ đạo UBND TP rà soát lại các hoạt động kinh doanh, thu mua, nuôi trồng thủy sản. UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản khẩn yêu cầu TP Cam Ranh báo cáo công tác quản lý hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn trước ngày 8/6.

Chưa xin phép?

Theo phản ánh của báo chí, hầu như ngư dân và người buôn bán nào ở gần cảng Cam Ranh cũng biết các đìa cũng như lồng bè nuôi cá, tôm của người Trung Quốc.

Bè nuôi cá của người Trung Quốc nằm cách cảng Cam Ranh khoảng 300m về phía đông, có những ngôi nhà lợp tôn được thiết kế kiên cố, mỗi bè rộng khoảng 100m2, có hàng chục lồng nuôi cá được kết với nhau. 

Những bè cá của người Trung Quốc lớn nhất nhì ở đây. Họ thu mua cá nhỏ của người dân, sau đó đưa về “vỗ béo” xong mới cho xuất hàng.

Bè nuôi cá của người Trung Quốc. Ảnh: SGTT

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, vịnh Cam Ranh hiện có đến 300ha mặt nước cá mú (nhiều nhất nước) và 15.000 lồng nuôi tôm hùm. Mỗi năm tại đây cung cấp hàng ngàn tấn thuỷ sản cao cấp cho thị trường, tuy nhiên hầu hết đều được các đầu nậu thu mua xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc.

Đặc biệt, tình trạng người Trung Quốc “núp bóng” nuôi cá tại một vịnh có vị trí quan trọng này diễn ra từ lâu, nhưng chính quyền vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt khoát, hoặc mới dừng lại ở lời hứa “sẽ xử lý”.

Bằng chứng cụ thể là ở khu vực lồng bè có người Trung Quốc hoạt động có nhiều lực lượng quản lý nhưng lại lúng túng trong phân cấp xử lý, và không rõ ai là người phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sự việc đáng tiếc này.

Ông Nguyễn Thành Long, đội phó đội Quản lý thị trường số 3 cho biết, tại Cam Ranh đang có ít nhất bốn cơ sở thu mua và một cơ sở nuôi bè hải sản của người Trung Quốc, nhưng do người Việt Nam đứng tên; phường Cam Phúc Bắc có hai cơ sở, phường Cam Phú có một cơ sở.

Riêng tại phường Cam Linh có hai cơ sở, trong đó cơ sở nuôi bè trên biển của công ty TNHH Song Phong. Song, ông Trần Tính, phó chủ tịch UBND phường Cam Linh cho rằng trên địa bàn chỉ có một cơ sở thu mua hải sản với khoảng 5-7 người Trung Quốc hoạt động, đứng tên kinh doanh là công ty TNHH Khải Hoàn của người Việt Nam.

Trước các thông tin nêu, thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hoà phối hợp với cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh kiểm tra các tàu cá hoạt động trên vùng biển Cam Ranh; đồng thời kiểm tra những lồng, bè của người Trung Quốc nuôi trồng thuỷ sản ở vịnh này.

Người Trung Quốc trên các bè cá ở Cam Ranh. Ảnh: SGTT

Bước đầu qua kiểm tra một bè nuôi cá của người Trung Quốc tại vịnh Cam Ranh cho thấy, bè này do một người tên Dũng có hộ khẩu tại TP.HCM đứng tên.

Bè này gồm nhiều bè ghép lại với nhau rất kiên cố, rộng khoảng 500m2 nuôi cá bớp, cá chim.... Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện nhiều sai phạm tại lồng bè này, như một số thức ăn nhãn mác hoàn toàn bằng tiếng Trung mà không có nhãn phụ tiếng Việt.

Theo ông Trần Văn Ớt, phó phòng kinh tế TP Cam Ranh, hiện tại vịnh Cam Ranh có đến 800 ha nuôi trồng thủy sản, khoảng 11.400 lồng nuôi, chủ yếu là nuôi trồng tự phát. Nhưng đáng chú ý đó là không một cá nhân hay doanh nghiệp nào được cấp phép nuôi trồng thủy sản trên vịnh này.

Một quan chức cho biết, theo quy định nếu doanh nghiệp muốn làm lồng bè thì phải có dự án đầu tư, được giao mặt nước, cùng nhiều vấn đề liên quan đến môi trường.

Thực tế tại Khánh Hoà đang cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài nuôi thuỷ sản và họ chấp hành các quy định. Riêng tại vịnh Cam Ranh, việc người Trung Quốc núp bóng người Việt để nuôi cá là “một kẽ hở của pháp luật”.

Ngày 31/5, lãnh đạo Thành ủy Cam Ranh cho biết, đã chỉ đạo UBND thành phố rà soát lại các hoạt động kinh doanh, thu mua, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP Cam Ranh.

Qua đó, những cơ sở, cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Cùng ngày, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản khẩn số 2912/UBND-VX, yêu cầu TP Cam Ranh báo cáo công tác quản lý hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn cho UBND tỉnh trước ngày 8/6.

AT (theo SGTT, Thanh Niên)