- Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới có chế tài với dân chứ chưa có chế tài với bộ máy công quyền gây lãng phí nhiều nhất.

{keywords}

ĐBQH Dương Trung Quốc: Tiết kiệm phải hướng vào bộ máy công quyền sử dụng ngân sách. Ảnh: Minh Thăng

ĐBQH Dương Trung Quốc trao đổi với báo chí bên lề phiên họp Quốc hội ngày 6/6 về luật Thưc hành tiết kiệm, chống lãng phí:

Ai cũng biết lãng phí đã ngốn đi tài sản rất lớn của Nhà nước và xã hội. Nhưng dùng luật chưa đủ, quan trọng phải tạo thành tập tính xã hội. Việt Nam vốn là dân tộc từng có tập tính hết sức tiết kiệm. Đương nhiên có thể đó là thời kỳ chúng ta chưa giàu có nhưng những tập tính đó đã ăn sâu trong đời sống con người rồi. Bây giờ cần nghiên cứu kỹ cái gì làm con người Việt Nam mất dần tính tiết kiệm.

Tôi thấy có nhiều hiện tượng rất khó giải thích. Ví dụ ngành giao thông chỉ cần kiểm tra lại những dự án lập tức dôi ra hàng nghìn tỷ đồng? Hay khi Chính phủ có chủ trương tiết kiệm ngân sách, lập tức các ngành báo cáo lên có thể rút được ngay vài ba nghìn tỷ.

Dường như chúng ta chỉ tiếp cận vấn đề đó khi nào có chủ trương, hướng đến thành tích chủ nghĩa nhiều hơn. Những chế tài hết sức quan trong. Luật thực hành, tiết kiệm lãng phí lần này vẫn chỉ giải quyết cái ngọn, chưa xử lý được cái gốc. Chế tài đề ra chỉ với dân chứ chưa có chế tài với bộ máy công quyền gây lãng phí nhiều nhất.

Theo ông, phải làm gì để tháo gỡ?

Giám sát của dân đối với chi tiêu của Nhà nước. Còn bản thân tiết kiệm xã hội thì tăng cường giáo dục tuyên truyền và những phương thức để hình thành dần hay trở lại dần tập tính vốn có của dân tộc là tằn tiện, tiết kiệm.

Nhưng, người dân làm sao có thể giám sát như ra quyết định hành chính không phù hợp gây lãng phí?

Tôi cho rằng, tiết kiệm phải hướng vào bộ máy công quyền sử dụng ngân sách. Phần liên quan đến đời sống, tiết kiệm xã hội thì chúng ta có thể đẩy mạnh tuyên truyền.

Ví như về chính sách nhà nước, khi anh xử phạt một hành vi vi phạm giao thông tại địa bàn nào đó, thì vì lợi ích anh đưa ra, chính thức anh nói rằng để tránh tiêu cực của người thu phí, cho nên người vi phạm vài ngày hôm sau phải trở lại chỗ cũ để nộp tiền.

Chưa nói giải thích để hạn chế tiêu cực trong thu phí hay không, hay đó là thủ thuật gây tạo sức ép để nảy sinh tiêu cực. Nhưng chuyện đưa ra giải pháp, người vi phạm phải quay trở lại thì lãng phí xã hội rất lớn, về thời gian, tiền bạc. Chính phủ phải nhìn vào từng chi phí ấy để đưa ra chính sách tiết kiệm nhất mà vẫn giữ được chế tài nghiêm khắc.

Luật đã thực hiện 7 năm nhưng người dân chưa thấy người có trách nhiệm bị xử lý lãng phí trong khi hành vi lãng phí lớn?

Chỉ cần rà soát lại những dự án về các con đường quốc lộ, riêng ngành giao thông đã tiết kiệm 15 nghìn tỷ đồng. Coi rà soát là một thành tích mà không phải là cái nguyên tắc để xây dựng những dự án.

Cho nên tôi vẫn thấy gần đây lãng phí hiện nay nằm ở phía ngân sách Nhà nước chứ lãng phí xã hội là yếu tố khác.

Tôi cho rằng quan trọng là tính gương mẫu. Phải tìm tận gốc chứ đừng lên cái ngọn. Sửa luật là quan trọng nhưng tổ chức thực hiện thế nào? Nhà nước phải thực hiện tính gương mẫu của mình. Tôi nhắc lại chuyện xưa, không phải tự dưng Cụ Hồ đi dép cao su, nước còn nghèo thì ta phải hành xử thế nào.

L.Thư ghi