- Do mưa lớn vào rạng sáng ngày 12/8 tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã xảy ra lũ ống và sạt lở đất khiến 6 người chết, trong đó có 5 người cùng một gia đình.

Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Lai Châu cho biết vào đêm ngày 11 rạng sáng ngày 12/8 trên địa bàn huyện Tam Đường đã xảy ra mưa lớn cục bộ làm sạt lở đất đá và lũ ống gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

{keywords}

Hiện trường vụ sạt lở nhà anh Chẻo Lao U (Ảnh: Dân trí)

Trận lũ ống xảy ra vào khoảng 2 giờ ngày 12/8 đã cuốn trôi cả một gia đình người Dao gồm 7 người. Theo đó, lũ tràn về trong đêm từ thác Tát Tình đã cuốn trôi gia đình anh Chẻo La U (SN 1978) và chị Tẩn Mẩy Chạn (SN 1985) ở bản Thác Tình, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, Lai Châu.

Hai vợ chồng anh Tẩn Lao U và ba cháu nhỏ Tẩn Tả Mẩy (SN 2001), Tẩn San Mẩy (SN 2007) và Tẩn A Sơn (SN 2012) đã bị thiệt mạng.

Báo cáo nhanh về thiệt hại trong trận mưa lũ đêm 11/8 đến sáng 12/8 của UBND huyện Tam Đường cho biết, ước tính tổng thiệt hại ban đầu khoảng 300 triệu đồng. 13 hộ dân khác tại bản Ngài Thầu nằm dưới vùng đất có nguy cơ sạt lở

Thi thể hai mẹ con chị Tẩn Mẩy Chạn và con gái cả Tẩn Tả Mẩy đã được tìm thấy ngay sau đó. Cho đến 14h ngày 12/8, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của huyện Tam Đường cho biết đã tìm thấy thêm thi thể của hai cháu nhỏ là Tẩn San Mẩy và Tẩn A Sơn riêng thi thể anh Tẩn Lao U hiện vẫn chưa được tìm thấy.

Cũng trong đêm, rạng sáng 12/8, một tảng đá lở do sạt núi đã rơi trúng vào căn nhà của gia đình anh Lê Viễn Dương tại bản Chu Va 8, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường.

Hai vợ chồng anh Dương và vợ là chị Nguyễn Thị Lương đều bị thương, con gái anh Dương mới 5 tháng tuổi là cháu Lê Ngọc Trâm đã tử vong tại chỗ.

Ngay sau khi xảy ra lũ ống và sạt lở, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã có mặt chỉ đạo khắc phục thiệt hại và tìm kiếm người bị nạn. Các cấp, ngành tỉnh Lai Châu và chính quyền huyện Tam Đường đã hỗ trợ mỗi nạn nhân trẻ em 9,5 triệu đồng, nạn nhân lớn tuổi 6,5 triệu đồng và người bị thương 3,5 triệu đồng.

Hiện chính quyền địa phương đang tiến hành khắc phục hậu quả, sơ tán tài sản, tổ chức hỗ trợ mai táng các nạn nhân và tiếp tục tổ chức tìm kiếm nạn nhân còn lại.

Cảnh báo lũ trên các sông Bắc Bộ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình từ ngày 13 đến ngày 15/8, sẽ xuất hiện một đợt lũ vừa với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 3 mét, ở hạ lưu từ 1 đến 2 mét. 

Trong đợt lũ này, lưu lượng lớn nhất đến hồ Sơn La chiều tối nay có khả năng lên mức 10000 - 12000m3/s; mực nước trên sông Thao tại Yên Bái đến sáng 14/8 lên trên mức báo động 1 và còn tiếp tục lên.

Lũ quét và trượt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Bắc.

Đặc biệt ở các khu vực như: tỉnh Bắc Cạn gồm huyện Pác Nặm, Ba Bể, Bạch Thông-Thị xã Bắc Cạn; tỉnh Hà Giang gồm các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Bắc Mê; tỉnh Tuyên Quang gồm các huyện Na Hang, Hàm Yên và phía bắc huyện Chiêm Hóa; tỉnh Lào Cai gồm các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Văn Bàn, Bảo Yên, Sa Pa; tỉnh Yên Bái gồm các huyện Mù Căng Chải, Văn Yên, Trạm Tấu, Yên Bình, Lục Yên, thành phố Yên Bái; tỉnh Lai Châu gồm các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên, Tam Đường.

Tại tỉnh Điện Biên vùng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở gồm các huyện Mường Lay, Mường Tè, Tủa Chùa; tỉnh Sơn La gồm các huyện Bắc Yên, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã; tỉnh Cao Bằng gồm các huyện Bảo Lạc, Trùng Khánh; tỉnh Lạng Sơn gốm các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Lộc Bình; tỉnh Hòa Bình gồm các huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Mai Châu; tỉnh Thái Nguyên gồm các huyện Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai; tỉnh Vĩnh Phúc gồm các huyện Tam Đảo, Yên Lạc.

L.Lam (tổng hợp)