- Theo kế hoạch, dự án xây dựng Chợ và dịch vụ thương mại trên địa bàn xã Ninh Hiệp sẽ được khởi công vào ngày 22/12. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, UBND huyện Gia Lâm đề nghị chủ đầu tư dời thời điểm thi công vào thời điểm thích hợp.

Dân phản đối vì lo bị ảnh hưởng

Những ngày qua, tình hình an ninh trật tự tại địa bàn xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) phức tạp do người dân tập trung phản đối dự án xây dựng Chợ và dịch vụ thương mại (TMTH2) do công ty TNHH Đầu tư thương mại và phát triển Vĩnh Phát làm chủ đầu tư.

{keywords}
Người dân Ninh Hiệp phản đối việc xây dựng Chợ tại vị trí bãi gửi xe.

Báo cáo tình hình địa phương từ ngày 10-22/12 của UBND xã Ninh Hiệp cho biết: hồi 20h ngày 10/12/2015 có khoảng gần 40 người dân và hộ kinh doanh tại chợ Nành tập trung tại trụ sở UBND xã phản đối với thông báo khởi công xây dựng công trình trên.

Sau đó, người dân tiếp tục kéo đến nhà các lãnh đạo xã yêu cầu UBND xã Ninh Hiệp có văn bản kiến nghị UBND huyện Gia Lâm, UBND TP.Hà Nội hủy bỏ các dự án đầu tư công trình hạ tầng theo quy hoạch tại xã Ninh Hiệp.

Các hộ tiếp tục tập trung kéo lên TP.Hà Nội, trụ sở UBND huyện Gia Lâm để kiến nghị dừng, hủy bỏ không thực hiện dự án TMTH2, đồng thời tuyên bố sẽ nghỉ kinh doanh tại chợ, không cho con em đến trường học.

{keywords}
Trước đó, tại Ninh Hiệp đã có 2 trung tâm thương mại được xây dựng.

Tình hình tiếp tục phức tạp khi gần 100 hộ kinh doanh tiếp tục tập trung tại trụ sở UBND xã vào sáng 17/12 để hô hào hủy bỏ dự án.

Trước tình hình trên, chủ tịch xã Ninh Hiệp Nguyễn Văn Tuấn đã gửi văn bản số 1303 báo cáo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã tới UBND huyện Gia Lâm, UBND TP.Hà Nội để xin ý kiến chỉ đạo.

Thời điểm ngày 24/12, lượng người tập trung tại bãi gửi xe trước chợ Nành đã không còn nhiều.

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, người dân phản đối việc xây dựng dự án Chợ và dịch vụ thương mại (TMTH2) xuất phát từ việc, theo họ, bãi gửi xe này là một phần không tách biệt của chợ Nành – chợ truyền thống tập trung số lượng hơn 1.000 tiểu thương.

Việc giao quỹ đất này cho chủ đầu tư thực hiện dự án, đồng thời xây dựng bãi gửi xe mới (cách xa chợ Nành khoảng vài trăm mét) sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của người dân. Do đó, họ đã tập trung phản đối xây dựng dự án trên.

Dời thời điểm thi công

Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân thông tin: “Việc khởi công dự án đã được đề nghị lùi vào thời điểm thích hợp. Trước mắt, Huyện ủy, UBND huyện Gia Lâm đang tổ chức vận động, tuyên truyền để người dân hiểu được chủ trương chính sách của Đảng - Nhà nước, giải quyết dứt điểm khiếu kiện đông người để đảm bảo an ninh trật tự địa bàn”.

Người phát ngôn của UBND huyện Gia Lâm, ông Hoàng Anh Tú, Chánh văn phòng UBND huyện cho VietNamNet biết: Huyện ủy, UBND huyện Gia Lâm đã thành lập Tổ công tác để trực tiếp xử lý, giải quyết những khiếu kiện đông người đang diễn ra tại Ninh Hiệp, đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã.

Tổ công tác này trực tiếp do Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trương Văn Học làm tổ trưởng; Trưởng công an huyện Gia Lâm, ông An Thanh Bình là tổ phó.

Hiện nay Huyện ủy, UBND huyện Gia Lâm đang tích cực chỉ đạo các ban ngành tuyên truyền, vận động người dân; yêu cầu Phòng Giáo dục huyện có cuộc họp với ban lãnh đạo hai trường THCS, Tiểu học ở xã Ninh Hiệp tổ chức họp các bậc phụ huynh để đưa các cháu trở về trường học, không nên cho con nghỉ học để tham gia phản đối cùng người lớn.

“Nguyên nhân ở đây xuất phát từ mâu thuẫn lợi ích. Người dân cho rằng, nếu TTTTM mới được xây dựng sẽ ảnh hưởng tới việc buôn bán kinh doanh của họ. Họ cũng chưa hiểu rõ, dự án này nằm trong quy hoạch chung của UBND TP.Hà Nội đã được thông qua, và đất xây dựng dự án là quỹ đất công chứ không phải đất của HTX Dịch vụ thương mại Ninh Hiệp - đơn vị được giao quản lý chợ Nành” - ông Hoàng Anh Tú nói.

Phó chủ tịch xã Ninh Hiệp Nguyễn Thanh Hải cho biết, Ninh Hiệp có hơn 4.000 hộ. Số lượng các cháu trong độ tuổi đi học (của hai trường Tiểu học, THCS Ninh Hiệp) là khoảng 2.500 cháu. 70% hộ dân tham gia kinh doanh, buôn bán mặt hàng truyền thống quần áo, vải vóc tại địa phương.

Thái Bình