- Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng biên chế để làm chính sách ở các bộ đang thiếu.

>> Mải đi cắt băng, bộ trưởng lơ là làm chính sách

Không thông qua chiến lược thì không có tiền

Trao đổi tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Chính phủ hôm nay (20/3), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có một số ý kiến về cách giải quyết tình trạng nợ đọng văn bản.

Luật và pháp lệnh đều là theo chương trình của QH nên khó giảm, nhưng nghị định, thông tư thì có thể, nếu trong xây dựng luật QH chia sẻ trách nhiệm, làm luật chất lượng, hạn chế những quy định giao Chính phủ, theo bà Tiến.

{keywords}
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: VGP

Chiến lược, quy hoạch của các bộ cũng chỉ nên trình Chính phủ những cái chung, tổng thể chứ không nên cái gì cụ thể cũng phải trình. "Tôi yêu cầu như vậy thì người ta bảo là nếu bộ tự làm không trình Chính phủ phê duyệt thì không có tiền đâu", Bộ trưởng Y tế chia sẻ và đề nghị Chính phủ cho phép bộ tự quyết các chiến lược, quy hoạch cụ thể đồng thời thừa nhận tính pháp lý và cấp kinh phí.

Thông tư, cụ thể hóa nghị định và đáp ứng nhu cầu thực tiễn, cũng là việc nặng, theo bà Tiến, vì vậy giảm đầu vào là giải pháp đầu tiên.

"Năm ngoái, lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Y tế hoàn thành 100%, trước toàn hạng bét hạng giữa, là nhờ chỉ đạo quyết liệt đưa việc xây dựng pháp luật là ưu tiên số một", Bộ trưởng Y tế nói.

Kinh phí cũng là một bài toán, bà Tiến cho biết Bộ Y tế xây dựng pháp luật hầu hết dựa vào kinh phí hợp tác quốc tế và tài trợ nước ngoài, chứ ngân sách thôi thì không đủ.

Nhân lực là bài toán khó khác, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: "Bộ phận pháp chế biên chế quá thấp. Các bộ ngành, đơn vị đầu não, một người lo một kho người làm nhưng đụng đến việc gì cũng không xin thêm biên chế được. Trong khi biên chế ở các đơn vị sự nghiệp thừa mà không ai muốn lấy vì đã khoán tự chủ tài chính".

Biên chế của những người làm chính sách ở bộ cũng phải là người giỏi, bà Tiến nói, chứ với tình hình lương và hợp đồng hiện nay, chỉ tuyển được những người yếu.

Theo Bộ trưởng Y tế, biên chế cần giảm nhưng đúng chỗ, không nên giảm ở những bộ phận hoạch định chính sách cho đất nước.

Lấy đủ người thì biên chế không chịu nổi

Trao đổi lại với Bộ trưởng Y tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng khó có những luật không cần hướng dẫn, vì cuộc sống còn vận động, mỗi nơi lại có điều kiện hoàn cảnh khác nhau.

"Vấn đề gì ổn định, đi vào cuộc sống rồi thì có thể đưa cứng vào luật, chưa rõ thì luật chỉ có thể định hướng, nguyên tắc sau đó bám theo mà hướng dẫn", Thủ tướng nói không muốn nhưng vẫn không thể tránh được luật khung, luật ống.

Nhưng Thủ tướng đồng ý với nhận định của Bộ trưởng Y tế rằng việc xây dựng chiến lược, quy hoạch đang nặng nề quá.

"Nhiều vấn đề như giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ... đã có nghị quyết Trung ương rồi thì có cần làm chiến lược nữa không? Nghị quyết Trung ương là tầm chiến lược rồi, quan trọng là Chính phủ có chương trình hành động và các bộ có kế hoạch thực hiện, chứ tốn công sức làm lại chiến lược rồi vẫn na ná nghị quyết", Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng tự tính toán việc này, Chính phủ không yêu cầu nặng nề về chiến lược.

Kinh phí thì Bộ Tài chính tính toán cấp đủ theo nhiệm vụ, căn cứ số lượng văn bản các bộ phải làm, Thủ tướng nói: "Nghèo thật nhưng không thể nói thiếu kinh phí không làm được luật, nghị định, thông tư".

Về nguồn nhân lực, Thủ tướng đồng ý làm pháp chế phải thu hút được người có năng lực, nhưng "nói không đủ thì vô cùng".

"Một năm mỗi bộ làm một luật, vài nghị định, thì nòng cốt là bộ phận pháp chế, bên cạnh đó mời thêm chuyên gia có thù lao, tổ chức hội thảo thực chất..., chứ lấy cho đủ người làm cứng thì biên chế không chịu nổi đâu", Thủ tướng nói.

Xây dựng thể chế, luật pháp là việc của người đứng đầu, là Thủ tướng, các bộ trưởng, và có các thứ trưởng, chuyên viên giúp việc theo lĩnh vực phù hợp, ông nhấn mạnh.

Chung Hoàng