“Tôi không có lỗi gì. Tôi chỉ là người phụ nữ hết mực lo cho chồng con, một đời vất vả…”, cụ bà chưa dứt câu thì cụ ông bất ngờ quỳ sụp gối: “Thôi thôi, con xin mẹ! Mẹ tha cho con.” 

TIN BÀI KHÁC


Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện ly hôn giữa ông và bà diễn ra vào ngày đầu tháng 7. Chứng kiến những tình huống dở khóc dở cười diễn ra trong phiên xử khiến người dự khán chỉ biết ngậm ngùi trước tình cảnh của những người trong cuộc.

Kiên quyết ly hôn


Ông nộp đơn ra tòa nằng nặc đòi ly hôn ở tuổi 59 tuổi. Bà hơn ông ba tuổi, họ có một con trai đã lấy vợ và có cháu để nối dõi tông đường. Nhà ít con, kinh tế không phải giàu sang nhưng cũng chẳng nghèo nàn. Ông làm tài xế, bà phụ xe cho ông để thu vén, quản lý chuyện tiền nong gia đình. Tích góp lâu ngày họ mua được ô tô riêng để chạy. Giờ ông già, việc chạy xe giao lại cho người con trai đảm nhận còn bà tiếp tục theo con vì quen công việc.

Năm 2008, ông từng nộp đơn lên TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) xin ly hôn. Khi ủy ban nhân dân phường Linh Tây tiến hành hòa giải, ông đồng ý rút đơn về. Sau đó, ông chuyển ra sống ly thân ở một phòng trọ tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Dù “mỗi người một ngả” nhưng mâu thuẫn vợ chồng vẫn chưa chấm dứt. Ông lại đệ đơn xin ly hôn lần nữa.

“Trong hôn nhân, tôi muốn có hạnh phúc nhưng tôi không thể có chút gì gọi là hạnh phúc khi sống cùng bà ấy. Bà ấy nói còn yêu thương tôi, không muốn ly hôn nhưng thực ra đâu phải vậy. Bà ấy qua mặt tôi đã đành lại còn qua mặt cả chính quyền. Tôi đau bệnh không có ai chăm, bà ấy không thèm ngó ngàng mà nói còn yêu thương là yêu thương cái nỗi gì? Nếu tiếp tục sống với bà ấy với tôi là địa ngục”, ông bức xúc trình bày lý do kháng cáo.

Nhìn vợ bằng ánh mắt hậm hực, cụ ông tiếp tục “kể tội” bà. Ông cho rằng bà là người vợ chỉ biết nghĩ đến tiền. Trước đây, công việc tài xế của ông là nguồn thu nhập chính của gia đình. Sau này có xe, ông cũng trực tiếp lái xe để tạo ra thu nhập. Ấy vậy mà bà không biết điều. Bà coi ông như người ở đợ, không hề nhìn nhận công sức của chồng.

“Bà ấy đâu coi tôi là chồng. Trong gia đình, mọi khoản thu nhập bà ấy đều nắm hết. Mỗi ngày bà ấy phát cho tôi mấy chục ngàn để tiêu xài như đứa con ở. Tôi làm quần quật nhưng không biết đến đồng tiền.

Dù sống với nhau mấy chục năm nhưng khi đã già, họ quyết ly hôn cho bằng được. (ảnh minh họa từ internet)

…Đã vậy, tôi chơi với ai bà ấy cũng cấm. Chơi với người này thì bà ấy bảo là chơi với nó để cờ bạc đề đóm, chơi với người kia thì bà ấy kêu là bợm nhậu, chỉ cần thấy tôi nói chuyện với người phụ nữ khác thì bà ấy nổi đóa “nói với nó để lấy nó hả”…Giữa chốn đông người bà ấy thường la lối làm tôi mất mặt. Tôi không chịu đựng nổi nữa rồi. Mâu thuẫn vợ chồng đã trầm trọng, đây là lần thứ 3 tôi nộp đơn xin ly hôn. Dù thế nào tôi cũng phải ly hôn, tôi xin tòa xem xét”.

“Choảng” nhau tại tòa

Trái ngược với những gì ông nói. Cụ bà đôi mắt rơm rớm nước trình bày: “Những lời chồng tôi nói đây chỉ là mâu thuẫn do chồng tôi nghĩ ra chứ tôi vẫn yêu thương chồng. Tôi năm nay đã ngoài 60 tuổi, lúc già yếu đau bệnh rất cần sự chăm sóc của chồng. Tôi không muốn ly hôn”.

Lý giải về những gì ông “kể tội”, bà cho biết: Trước năm 2008, mỗi tháng bà phát cho ông 2,8 triệu đồng chỉ là tiền ăn sáng, tiêu pha lặt vặt. Mỗi tháng bà còn mua cho ông một card điện thoại 300 ngàn đồng, mỗi khi ông đi lại ở đâu về thì tiền xe cộ bà đều trả.

Đã thế, mấy năm trước do mải mê đề đóm ông còn vướng vào cục nợ khiến bà phải liêu xiêu, trả mãi mới xong. Giờ bà chỉ cần ông tu tỉnh, ở nhà lo việc đưa đón cháu nội hàng ngày để bà và con yên tâm làm việc. Dù ông chuyển ra ở riêng gần năm nay nhưng mỗi tháng bà vẫn cấp cho ông 3 triệu đồng. Vậy mà ông còn không hài lòng.

“Chúng tôi sống với nhau 36 – 37 năm rồi. Chỉ vì chồng tôi sa đọa cờ bạc số đề nên mới vậy chứ bình thường ông ấy rất thương vợ con. Tôi không có lỗi gì. Tôi chỉ là người phụ nữ hết mực lo cho chồng con, một đời vất vả…”, cụ bà chưa dứt câu thanh minh về nỗi “oan ức” của mình thì bất ngờ ông quỳ sụp gối “Thôi thôi, con xin mẹ! Mẹ tha cho con.”

Hành động quỳ sụp gối và những lời lẽ của ông khiến người dự khán dở khóc, dở cười. Hội đồng xét xử (HĐXX) nhắc nhở nguyên đơn về thái độ tôn trọng nội quy phiên tòa, ông hậm hực đứng dậy trong khi cặp mắt đỏ ngàu ngàu, liếc xéo về phía người vợ đang ngồi bên kia băng ghế.

Sau khi nghị án, HĐXX thuộc TAND TP.HCM xét thấy mâu thuẫn giữa vợ chồng ông là mâu thuẫn xung quanh chuyện tiền bạc, sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. Đó là những mâu thuẫn tất yếu trong gia đình. Hiện cả hai đã ở tuổi 60, ông kiên quyết xin ly hôn, bà tha thiết xin đoàn tụ, mâu thuẫn vợ chồng không đến mức trầm trọng, hai bên có thể ngồi lại với nhau để giải quyết, hàn gắn hạnh phúc gia đình. Do vậy, tòa giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND quận Thủ Đức, tuyên không chấp nhận kháng cáo xin ly hôn của ông.

Khi HĐXX vừa bước ra khỏi phòng xử án, ông chồm về phía vợ, chỉ tay thẳng mặt: “Được rồi, lần này về tao ở ác cho mày xem. Mày là Võ Tắc Thiên! Ở với mày là địa ngục trần gian. Lần này, không mày chết thì tao chết…”. Cụ bà im bặt, lầm lũi lê những bước chân nặng nề ra khỏi phòng xử.

Khi giáp mặt nhau ở bãi giữ xe, ông tiếp tục xả giận. Nghe đâu luật sư của ông cho biết bà không muốn ly hôn vì sợ phải chia đôi căn nhà. Như vậy, không biết hy vọng hàn gắn họ của tòa liệu có thành hiện thực?

Mai Phượng