- Đến năm 2020, mỗi công dân sẽ có một số định danh cá nhân. Đó chính là 12 số trên chứng minh thư nhân dân mẫu mới.

Theo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020, từ năm 2016, các cơ quan sẽ thực hiện cập nhập thông tin cơ bản của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ cơ sở dữ liệu này, mỗi công dân sẽ được cấp một số định danh cá nhân.

Số này chính là số chứng minh thư nhân dân 12 số mà Bộ Công an đang tiến hành cấp, đổi mới cho công dân hiện nay.

Theo ông Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an: "Chúng tôi đã tính toán rất cụ thể, năm sinh, thế kỷ, nam nữ, 500 năm nữa sẽ không trùng nhau".

Số định danh được xác lập từ hệ thống nên cũng sẽ không thể có chuyện chọn, xin hay mua "số đẹp", những người triển khai đề án khẳng định.

{keywords}
12 số trên CMTND mẫu mới sẽ là số định danh cá nhân. Ảnh: Phạm Hải

Để hoàn thành việc cập nhật dữ liệu với dự kiến kinh phí 3.500 tỷ đồng nói trên, ông Trần Văn Vệ cho biết sẽ sử dụng dữ liệu mà ngành công an đang quản lý như chứng minh thư và hộ khẩu. "Sẽ có người đủ thông tin, không phải khai báo lại. Với những người còn thiếu thông tin, cơ quan công an sẽ đến tận nơi để bổ sung, công dân không phải lên xã, phường để làm việc này".

Đại diện Bộ Công an hy vọng đây sẽ là lần khai cuối cùng, sau đó hệ thống sẽ cập nhật, mỗi lần giao dịch với các cơ quan nhà nước, công dân không phải khai lại thông tin cá nhân nữa.

Vẫn duy trì chứng minh thư

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn, số định danh sẽ giúp giảm nhiều loại giấy tờ như khai sinh, hộ khẩu, chứng nhận kết hôn.

"Thực trạng hiện nay, khi người dân đi làm TTHC phải xuất trình bản sao chứng thực lẫn bản chính để đối chiếu của rất nhiều loại giấy tờ, phức tạp mà lại tốn kém, lãng phí, photo hay chứng thực đều mất tiền. Một người ra đường phải đem theo mình khoảng 20 giấy tờ đủ loại, mất là rất nguy hiểm, vô cùng vất vả, mệt mỏi", ông Sơn chỉ ra một bất tiện mà số định danh cá nhân có thể khắc phục.

Bất tiện thứ hai là mỗi lần đi làm TTHC, người dân cứ phải khai đi khai lại thông tin cá nhân, tốn thời gian và công sức. "Khi cơ sở dữ liệu đã có đủ, trách nhiệm chứng minh nhân thân không còn do người dân chịu mà nhà nước phải làm, dân chỉ cần đi người không đến cơ quan hành chính", ông Sơn khẳng định.

Như vậy, chứng minh thư nhân dân sẽ là thứ giấy tờ duy nhất người dân phải mang theo. Đề án về lâu dài cũng đề cập khả năng thay thế chứng minh thư bằng thẻ công dân điện tử hoăc một phương tiện điện tử khác, song do điều kiện hạ tầng kỹ thuật hạn chế, đây là việc của tương lai, chưa biết lúc nào sẽ làm.

Thứ trưởng lê Hồng Sơn thì nhận định: "Chứng minh thư hiện nay rất cần thiết cho các giao dịch, khi chưa có phương tiện hiệu qủa và an toàn hơn, vẫn phải duy trì chứng minh thư".

Chung Hoàng