Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, nhắm đích trở thành  trung tâm du lịch quốc tế vào năm 2020, Quảng Ninh luôn kiên định mục tiêu "tăng trưởng xanh”, từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành điểm đến và nơi đáng sống.

3 đột phá cho tăng trưởng xanh

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, với lợi thế về cảng biển, du lịch, nguồn than đá dồi dào, những năm gần đây, Quảng Ninh có tốc độ phát triển nhanh. Tuy nhiên để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, Quảng Ninh phải đối mặt với nhiều khó khăn như: tài nguyên hữu hạn, mâu thuẫn giữa việc khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ. Nhiều thách thức đặt ra với Quảng Ninh như vấn đề phát triển công nghiệp hoá và đô thị hoá nhanh gắn với giải quyết vấn đề môi trường sống; vấn đề phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu...

Do vậy việc đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh là yêu cầu cấp bách để Quảng Ninh phát triển bền vững. Với mục tiêu đó, Quảng Ninh đã tập trung triển khai đồng bộ có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, tạo nền tảng quan trọng để đạt tăng trưởng xanh là: Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 

{keywords}
 

Nhằm phát triển kết cấu hạ tầng, Quảng Ninh đã xây dựng cơ chế, chính sách để tập trung và thu hút mọi nguồn lực đầu tư các công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng là hạ tầng giao thông, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, các dự án hạ tầng của các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Trong thực hiện cải cách hành chính, Quảng Ninh hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Năm 2017 tỉnh đã dành kinh phí 11,2 tỷ đồng để mở các lớp bồi dưỡng đào tạo cán bộ, công chức nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ thực thi công vụ; xây dựng Đề án thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020…

Thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Vịnh Hạ Long

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, Quảng Ninh thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường đối với các ngành công nghiệp trọng điểm và các chính sách phát triển du lịch bền vững.

Một dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực Vịnh Hạ Long do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ đã được triển khai từ năm 2015. Giai đoạn 1 (10/2015  -  9/2016) có nhiệm vụ lập kế hoạch chi tiết của dự án để xác định các vấn đề ưu tiên cần được giải quyết. Giai đoạn 2 được thực hiện trong 3 năm, bắt đầu từ tháng 11/2016 với 5 hoạt động chính gồm: Tăng cường cơ chế cấp ngân sách và cơ chế tài chính cấp tỉnh cho quản lý môi trường và tăng trưởng xanh; thúc đẩy cơ chế ưu đãi hỗ trợ quản lý và tiết kiệm năng lượng; thúc đẩy du lịch bền vững tại khu vực Vịnh Hạ Long; tăng cường năng lực quản lý môi trường thông qua kiểm soát tải lượng ô nhiễm trực tiếp xuống Vịnh; nâng cao nhận thức thông qua xuất bản và phát hành sách trắng về tăng trưởng xanh khu vực Vịnh.

{keywords}
 

Đến nay, Ban quản lý dự án đã phối hợp với chuyên gia JICA, các tổ công tác tổ chức trên 50 cuộc họp, làm việc với các sở, ngành, địa phương; tổ chức trên 20 cuộc khảo sát và làm việc tại các địa phương tham gia dự án. Ngày 5/9/2018, tại thành phố Hạ Long, Ban Quản lý dự án Thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực Vịnh Hạ Long tổ chức Hội thảo truyền thông nâng cao nhận thức Sách trắng về tăng trưởng xanh khu vực Vịnh Hạ Long 2017. Sách do các chuyên gia của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA và UBND tỉnh Quảng Ninh biên soạn nhằm chuyển tải các thông điệp, kinh nghiệm, sáng kiến và những hoạt động hướng tới tăng trưởng xanh khu vực Vịnh Hạ Long cho đông đảo các đối tượng như: Khách du lịch, doanh nghiệp và người dân địa phương, cán bộ làm công tác quản lý các cấp.

Cùng với dự án của JICA, Quảng Ninh triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long như: Cấm các hoạt động chuyển tải clinker, xi măng và các loại hàng hóa rời, không cho di chuyển các hoạt động khai thác, sàng tuyển, bốc rót than trên Vịnh; Di dời và quy hoạch các điểm cư dân làng chài, địa điểm nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè, tăng cường quản lý hoạt động vận chuyển khách tham quan du lịch và tàu lưu trú du lịch; tổ chức thu gom rác thải trên Vịnh Hạ Long…

Quảng Ninh cũng chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Ngoài ra tỉnh  cũng chú trọng đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào bảo vệ sinh thái Vịnh Hạ Long.

Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, nhất là xử lý môi trường, di dân ra khỏi các vùng sạt lở nguy hiểm, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ để nâng cao hiệu quả kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững.

M.M (Tổng hợp)