- Sáng 2/4, tại TP.HCM, hội nghị cấp cao lần thứ 2 của Ủy hội sông Mekong quốc tế gồm 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan đã khai mạc. Hai đối tác Trung Quốc và Myanmar cũng tham dự.

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế diễn ra lần đầu tiên năm 2010 tại Thái Lan. Tại hội nghị này đã ra hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong và thành lập Ủy hội sông Mekong quốc tế.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Thái Lai trao đổi với báo chí. Ảnh: Tá Lâm

Đây là dấu mốc quan trọng của sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên Ủy hội sau nhiều thập kỷ hợp tác kể từ năm 1957. Trung Quốc và Myanmar cũng thuộc lưu vực sông Mekong nhưng không tham gia ký kết hiệp định và không gia nhập Ủy hội, mà chỉ là các đối tác đối thoại.

Trả lời báo chí bên hành lang hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Thái Lai khẳng định, Việt Nam và các thành viên Ủy hội mong muốn Trung Quốc và Myanmar gia nhập Ủy hội và tham gia hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong “Đó là mục tiêu và tất cả các thành viên Ủy hội đều mong muốn”, ông Lai nói.

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho hay, gần đây dưới áp lực về tăng dân số và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong lưu vực sông Mekong đã có sự phát triển mạnh mẽ các dự án phát triển thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh, các dự án lấy nước phục vụ tưới, các hoạt động nuôi trồng đánh bắt thủy sản, giao thông thủy...

Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích, các dự án đó cũng ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường, sinh thái, chất lượng nước... Biến đổi khí hậu toàn cầu cũng đã làm thay đổi chế độ mưa, dòng chảy trong lưu vực.

Vì thế, hội nghị cấp cao lần thứ hai sẽ tiếp tục thể hiện ý chí và cam kết chính trị của các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên Ủy hội để hợp tác vượt qua khó khăn, thách thức và hướng tới phát triển bền vững lưu vực sông Mekong.

Trả lời câu hỏi hội nghị lần này có giải quyết những vấn đề còn khác biệt giữa 4 nước liên quan tới đập thủy điện Xayaburi mà Lào đã xây và sắp xây tiếp đập Don Sahong cũng như 8 đập thủy điện sẽ xây trong tương lai, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho biết, mặc dù đã có kế hoạch phát triển 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong, nhưng các nước trong tiểu vùng sông Mekong cũng sẽ cùng nhau bàn bạc trao đổi và các bộ trưởng cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo tính toán các phương án tối ưu.

“Tôi nghĩ chắc chắn rằng, hội nghị thượng đỉnh lần này, Thủ tướng của 4 nước sẽ có những quyết định để chỉ đạo quá trình khai thác thủy điện sao cho bền vững”, ông Lai nói.

Với chủ đề “An ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Mekong”, hội nghị sẽ tập trung khẳng định lại cam kết cao nhất của các quốc gia thành viên trong việc tăng cường hợp tác bền vững lưu vực sông.

Hội nghị diễn ra đến ngày 5/4. Dự kiến, trong ngày cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu trước hội nghị.

Tá Lâm