Liên quan đến việc đổi cây sưa 200 tuổi lấy công trình nông thôn, đại diện ban quản lý đình Đông Cốc cho biết một cây sưa 300 tuổi từng được mang ra trao đổi với giá 1,2 tỷ đồng để trùng tu đình.

Ban quản lý di tích đình Đông Cốc (xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết đang muốn đổi cây sưa 200 năm tuổi trước cổng đình lấy một số công trình phúc lợi, đường sá và thủy lợi cho xã.

{keywords}

Cây sưa cổ thụ được dự định mang ra trao đổi

Theo ông Nguyễn Văn Cự (Thành viên ban quản lý di tích đình Đông Cốc), việc này đã được các cụ cao tuổi, ban quản lý và nhân dân thống nhất.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Lê Xuân Bắc (Trưởng phòng Văn hóa huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) khẳng định không hề có chuyện bán cây sưa 200 tuổi.

“Ngày 17-10, tôi đã về làm việc và khẳng định với các cụ ở BQL di tích là muốn sửa sang, thay mới mọi thứ trong phạm vi di tích đều phải có sự đồng ý của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch”.

Theo đối chiếu bản đồ di tích của ông Bắc, cây sưa 200 tuổi nằm trong phạm vi bảo vệ theo Luật di sản và không được xâm phạm. 

Do đó, theo luật, nếu muốn bán hay quy đổi cây sưa đều phải làm giấy tờ qua xã, huyện, Sở Văn hóa thể thao và du lịch để gửi lên Bộ.

“Năm 2007 đã có trường hợp đổi sưa lấy việc sửa đình bị phía công an giữ lại mấy tháng. Năm ngoái cũng có người đến đặt cọc mua cây sưa tiếp. Chúng tôi đã chấn chỉnh việc này”, ông Bắc nói.

{keywords}
Hiện đình Đông Cốc còn giữ được hai cây sưa cổ giá trị, một cây 400 tuổi và cây còn lại 200 tuổi 

Theo KTS Lê Thành Vinh (Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích), mỗi di tích công trình đều nằm trong một khung cảnh, môi trường xung quanh. 

Không chỉ có công trình kiến trúc mà cả những hiện vật, cây cối năm trong vùng bảo vệ đều phải được giữ nguyên vẹn. Đối với các cây cổ, có tuổi thọ cao càng bắt buộc phải giữ nguyên.

Trước đó, theo ban quản lý đình, vào năm 2007, đình Đông Cốc đã được trùng tu cũng dựa trên nguồn kinh phí từ việc trao đổi cây sưa. 

Một cây sưa có tuổi đời 300 năm đã được mang ra trao đổi. Ban quản lý di tích đình Đông Cốc cho biết giá trị của lần trao đổi đó vào khoảng 1,2 tỷ đồng.

Đình Đông Cốc được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch công nhận là di tích kiến trúc và nghệ thuật năm 1992. Hiện đình Đông Cốc còn giữ được hai cây sưa cổ giá trị, một cây 400 tuổi và cây còn lại 200 tuổi.

(Theo Tuổi trẻ)