- Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, dự thảo luật Tiếp cận thông tin vẫn tồn tại ít nhất “4 bộ lọc” hạn chế khả năng tiếp cận thông tin rộng rãi của người dân.

GS Nguyễn Minh Thuyết nêu ý kiến tại hội thảo về tiếp cận và xử lý thông tin do Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật VN (VUSTA) tổ chức sáng nay. Dự thảo luật này được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp đang diễn ra.

{keywords}
GS Nguyễn Minh Thuyết

GS Nguyễn Minh Thuyết đánh giá cao việc ban hành luật Tiếp cận thông tin nhằm triển khai các quy định của Hiến pháp 2013 về quyền tiếp cận thông tin, quyền con người và quyền công dân nói chung. 

Qua đó hoàn thiện cơ chế công khai minh bạch trong hoạt động của các đơn vị cơ quan nhà nước, đồng thời cũng là thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã là thành viên.

GS Nguyễn Minh Thuyết chỉ ra dự thảo luật đã có nhiều điểm tích cực nhưng còn nhiều điểm đáng lưu ý.

Thiếu "quyền chia sẻ"

Một trong những điểm ông góp ý, đó là dự thảo luật không đề cập đến “quyền chia sẻ (truyền đạt, phổ biến)” thông tin với các tổ chức và cá nhân khác. Quyền tiếp cận thông tin theo luật chỉ được hiểu là “quyền đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp và lưu giữ thông tin”.

GS Thuyết cho rằng, bất kỳ công dân nào cũng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin không thuộc loại hạn chế. Việc hạn chế "chia sẻ" làm tăng khả năng làm gia tăng số lượng yêu cầu cung cấp thông tin mà một công dân khác đã được cung cấp, tăng thêm gánh nặng cho cơ quan nhà nước.

“Việc không thừa nhận công dân có quyền chia sẻ thông tin được cung cấp cũng dễ đặt công dân vào tình trạng vi phạm pháp luật trong trường hợp họ chia sẻ thông tin với người khác dưới bất kỳ hình thức nào”, ông nhấn mạnh.

Một quy định của dự luật ông không đồng tình là người yêu cầu cung cấp thông tin phải trình bày lý do yêu cầu và mục đích sử dụng thông tin.

Ông lập luận người dân hoàn toàn có thể trình bày lý do tiếp cận thông tin là ‘để biết’ và mục đích sử dụng là ‘để nghiên cứu’ hoặc bất kỳ lý do nào mà cơ quan nhà nước không có quyền từ chối vì không có quy định nào về các trường hợp được quyền từ chối cung cấp thông tin vì “lý do không chính đáng”.

Chỉ có cơ quan công quyền không đủ

Dự thảo luật quy định người cung cấp thông tin chỉ là cơ quan công quyền khiến GS Thuyết lập luận thực tế, người dân nước ta không chỉ cần thông tin từ các cơ quan công quyền mà còn rất cần thông tin từ các đơn vị sự nghiệp như trường học, bệnh viện… 

Việc công khai và cung cấp thông tin theo yêu cầu của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và thực thi dịch vụ công là một giải pháp then chốt để thực hiện nguyên tắc ‘dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, GS Thuyết nói.

Ông cũng lưu ý danh mục thông tin thuộc diện hạn chế tiếp cận vẫn còn lớn vì phải “trải qua nhiều bộ lọc khác nhau”.

Theo GS Thuyết có ít nhất “4 bộ lọc” khiến hạn chế số lượng thông tin người dân tiếp cận.

Điều 6 của dự thảo giới hạn chủ thể cung cấp thông tin chỉ là các cơ quan nhà nước. Như vậy, thông tin do các tổ chức hưởng ngân sách, đơn vị sự nghiệp, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công ích… đều thuộc diện ngoại trừ.

“Số lượng thông tin ngoại trừ tăng lên là không phù hợp với vị trí của luật Tiếp cận thông tin”.

Ông gợi ý việc thành lập một cơ quan chuyên trách do vị trí đặc biệt của quyền tiếp cận thông tin đối với phát triển quốc gia, thúc đẩy minh bạch, phòng chống tham nhũng và thực thi các quyền con người, quyền công dân.

Lê Văn