- Một người không may chết não vẫn có thể trao thêm cơ hội hồi sinh cho nhiều người khác nhờ hiến tặng các bộ phận cơ thể như tim, gan, thận, giác mạc...

Theo TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, một người qua đời hiến cho y học sử dụng triệt để các bộ phận, mô, tóc, tạng... có thể giúp ích được tới 108 người. Còn nếu hiến tạng không thì cũng cứu được tối đa 8 người.

Và thực tế tại Việt Nam, đã có nhiều ca hiến đa phủ tạng, cứu sống cùng lúc nhiều người.

1 người hiến ghép cho 6 người

Nói về ca hiến tạng cứu một lúc nhiều người nhất trong lịch sử ghép tạng Việt Nam phải kể tới ca chết não hiến đa phủ tạng được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào cuối tháng 7 vừa qua.

Bệnh nhân này bị tai nạn lao động. Khi tới Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân chết não, tiên lượng không qua khỏi. Nhân viên y tế của bệnh viện đã tiếp cận, vận động và giải thích về ý nghĩa của việc hiến tạng với người nhà.

{keywords}

Một bệnh nhân được cứu sống nhờ quả thận được hiến. Ảnh: Thanh Huyền

Mô và tạng của bệnh nhân được hiến tặng là giác mạc, khối tim, phổi, gan và 2 thận. Hai thận và gan được ghép cho 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy (1 trường hợp bị ung thư gan do viêm gan siêu vi C và 2 trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối). Hai giác mạc của bệnh nhân được ngân hàng mắt của đơn vị quản lý chuyên phục vụ bệnh nhân nghèo tiếp nhận, ghép cho 2 người khác vào ngày 22/7.

Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện phẫu thuật lấy nhiều tạng trên cơ thể bệnh nhân nên việc phối hợp giữa các ê kíp sao cho nhịp nhàng, thời gian lấy tạng phải vừa khớp để kịp thời ghép cho người nhận là cả một công trình phức tạp.

Ca mổ được tiến hành ngay trong đêm với lực lượng lên tới hàng trăm người gồm 3 ê kíp mổ lấy tạng, 2 ê kíp ghép thận và gan, chưa kể đội ngũ phục vụ bên ngoài. Tổng thời gian lấy hết tạng ra khỏi bệnh nhân mất gần 5 giờ.

6h40 ngày 20/7, khối tim - phổi được lấy ra khỏi cơ thể người hiến. Ngay lập tức, ê kíp vận chuyển của Bệnh viện Trung ương Huế đưa tạng lên xe cấp cứu, cấp tốc chạy ra phi trường và có mặt tại bệnh viện lúc 9h40.

Ca ghép tim - phổi tại Bệnh viện Huế được thực hiện một cách ngoạn mục. Tạng ghép được đưa vào lồng ngực và tiến hành khâu nối xong lúc 11h. Như vậy từ khi cắt bỏ khối tim - phổi cho đến khi tim đập lại là 4 giờ 30 phút.

Tuy nhiên bệnh nhân được ghép tim – phổi tại Bệnh viện Trung ương Huế sau đó không may mắn qua khỏi sau 5 ngày chăm sóc đặc biệt nhưng những trường hợp nhận gan, thận, giác mạc còn lại hồi phục rất tốt.

Hành trình vận chuyển tạng xa nhất Việt Nam

Sau hành trình vận chuyển Chợ Rẫy - Huế, ngày 4/9 vừa qua, kỷ lục chuyển tạng hiến xa nhất Việt Nam tiếp tục được xác lập với chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội.

Người hiến là trường hợp chết não 31 tuổi, ngoài 2 quả thận được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy, khối tim, gan tiếp tục vượt qua hành trình gần 2.000km ra Việt Đức ghép cho 2 bệnh nhân.

{keywords}
Kiểm tra tạng trước khi ghép

PGS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức cho biết 2 ca ghép tim, gan vừa được thực hiện tại bệnh viện là 2 trường hợp ghép tạng hết sức đặc biệt với thời gian vận chuyển tạng dài nhất từ trước tới nay (6 tiếng).

Bắt đầu 14h30 ngày 4/9, kíp bác sĩ Bệnh viện Việt Đức do đích thân 2 chuyên gia đầu ngành về ghép tạng là GS Trịnh Hồng Sơn, PGĐ bệnh viện và PGS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch đã đáp máy bay vào Chợ Rẫy lấy tạng cùng sự hỗ trợ của đội ngũ hơn 50 y bác sĩ tại đây.

17h30, công việc hoàn tất, tuy nhiên phải đến 21h máy bay mới cất cánh và 23h30 khối tim, gan về đến phòng mổ của Bệnh viện Việt Đức.

Do thời gian vận chuyển quá lâu, kíp bác sĩ Việt Đức đã phải tính đến cả phương án xấu nhất là tạng bị hoại tử tế bào, không thể ghép cho bệnh nhân... nên đã lên cả phương án dự phòng.

Nhưng may mắn đã mỉm cười với bệnh nhân và cả ê kíp khi kết quả xét nghiệm sinh thiết tại Việt Đức cho thấy không có tế bào hoại tử.

Sau 6,5 giờ cho ca ghép tim và 7,5 giờ cho ca ghép gan, đến khoảng 5h sáng 5/9, cả 2 ca ghép với sự hỗ trợ của hơn 60 người đều hoàn tất.

{keywords}
2 bệnh nhân ghép gan và ghép tim hôm 5/9 vừa qua đến nay đều tiến triển tốt. Ảnh: T.Hạnh

Đến thời điểm hiện tại, 2 bệnh nhân đều có thể tự thở, ăn uống, mọi chỉ số đều gần như bình thường và đã có thể nói chuyện. Nếu không có gì thay đổi, 10 ngày nữa sẽ được xuất viện.

Theo PGS Quyết, từ 2010 đến nay tại Việt Đức, từ trường hợp một người chết não hiến đa tạng cứu sống được 4-5 bệnh nhân đã nhiều. Tuy nhiên thông tin ít được cộng đồng biết đến do bản thân gia đình người hiến không muốn tiết lộ thông tin.

PGS Quyết cho biết, trường hợp một người hiến ghép cho 4 người đầu tiên được thực hiện vào năm 2010.

Tháng 4/2011, bệnh viện Việt Đức thực hiện ca ghép tạng cho 4 người ở 3 tỉnh thành khác nhau gồm: Ghép tim cho bệnh nhân người Hải Phòng, ghép gan cho bệnh nhân ở Hà Nội, ghép thận cho một bệnh nhân ở Hà Nội và 1 bệnh nhân ở TP.HCM.

Thời điểm đó, ca ghép tim hoàn thành sau 4 giờ, ghép gan phức tạp hơn hoàn thành sau 8 giờ.

Đến tháng 1/2012, cũng tại Việt Đức, các bác sĩ tiếp tục thực hiện 4 ca ghép tạng gồm 2 bệnh nhân ghép thận, 1 bệnh nhân ghép tim, 1 bệnh nhân ghép gan.

Ca hiến ghép cho 4 người được thực hiện gần đây nhất là vào cuối năm 2013 gồm ghép tim, gan, thận, giác mạc.

Duy nhất đến nay tại Việt Đức có một trường hợp được ghép đa tạng gồm tim - thận được thực hiện năm 2011. Tuy nhiên sau 1 tháng bị suy đa tạng, bệnh nhân đã tử vong.

Đến nay Việt Đức là bệnh viện hàng đầu cả nước về chuyên ngành ghép tạng với 25/27 ca ghép gan và 11/12 ca ghép tin cùng hàng trăm ca ghép thận.

Theo PGS Quyết, dù hiến-ghép tạng mang lại sự hồi sinh kỳ diệu như vậy, tuy nhiên đến nay số lượng người cho chết não hiến tạng vẫn cực kỳ hạn chế. Hiện có hàng nghìn bệnh nhân vẫn đang mòn mỏi xếp hàng chờ hiến tạng nhưng không thể có nguồn. Đây là điều vô cùng đáng tiếc!

Thúy Hạnh - Thanh Huyền