- Với cơ chế “mở” từ TƯ, không ít ý kiến cho rằng, TP.HCM không nên nóng vội xây dựng chính quyền đô thị. Nếu nóng vội sẽ khó khăn trong khâu thực hiện mà hiệu quả không cao, cần tiếp tục lấy ý kiến nhân dân.

Ngày 22/8, HĐND TP.HCM tổ chức nghe ý kiến góp ý về đề án chính quyền đô thị của các chuyên gia, những người nguyên là Thường trực HĐND các nhiệm kỳ.

"Đụng" Hiến pháp

GS.TS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM cho hay, mô hình chính quyền như đề án phác thảo, nếu được chấp nhận, sẽ tạo ra thẩm quyền cho TP theo hướng tăng lên nhưng thẩm quyền của một số bộ ban ngành TƯ sẽ bị thu hẹp. Bà Quỳ mô tả điều này sẽ tạo ra “xung đột lợi ích” giữa TP và TƯ.

Một trong những vấn đề “cốt tử”, theo bà Quỳ đó là đề án đụng chạm đến 102 văn bản luật hiện hành, Hiến pháp hiện hành và dự thảo Hiến pháp 1992 đang sửa đổi.

“Đề án vênh với các văn bản luật là bởi vì thực sự các quy định trong các văn bản luật đã lạc hậu rồi. Không phải nói để ta bào chữa cho ta nhưng phải thấy rằng, trong số 102 văn bản xung đột, có nhiều văn bản bị lỗi thời.


{keywords}

GS.TS Mai Hồng Quỳ (ngoài cùng bên phải) nhìn nhận, đề án chính quyền đô thị của TP.HCM sẽ đối mặt với nhiều phản biện từ TƯ

Vấn đề là ta phải chứng minh được điều đó. Phải lý giải được nó vênh vì các văn bản này cũ, lạc hậu hay do đề án chúng ta quá mới. Nếu không lý giải được điều đó sẽ tạo nên sự nghi vấn của các nhà phản biện và người ta sẽ thấy không yên tâm về đề án của chúng ta đưa ra?”, bà Quỳ lý giải.

Đối với 4 TP vệ tinh mà TP.HCM dự kiến thành lập mới, bà Quỳ cho rằng, nhìn vào lịch sử, trước đây TP cũng đã từng tách huyện Thủ Đức thành ba quận là quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

“Các địa bàn này giờ chúng ta lại nhập lại thành TP Đông, vậy chúng ta sẽ vấp phải một loạt câu hỏi: Tại sao ngày xưa tách ra? Chúng ta có thẩm định lại việc tách ra đó được cái gì và không được cái gì không? Tại sao bây giờ lại nhập lại?”, bà Quỳ nêu hàng loạt câu hỏi.

Theo bà, nếu thành lập 4 thành phố vệ tinh, TP.HCM sẽ hình thành “thành phố trong thành phố”. Cần hết sức cân nhắc việc thành lập 4 TP vệ tinh này.

“Theo điều 118 Hiến pháp 1992 thì không hề có khái niệm ‘thành phố trong thành phố’. Nếu thành lập 4 TP vệ tinh, chúng ta sẽ đụng Hiến pháp và rất khó thuyết phục và được TƯ chấp nhận”, bà nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa, theo bà Quỳ, trong đề án TP bàn rất nhiều về cơ cấu tổ chức bộ máy, tuy nhiên có một phần tiên quyết nhưng đề án đề cập rất mờ nhạt, đó là nhân sự.

“Mô hình như thế thì những con người hiện tại sẽ đi đâu? Nếu chúng ta vẫn né vấn đề nhân sự thì đề án mất đi tính thuyết phục. Tôi đề nghị ban soạn thảo suy nghĩ thêm và nhất thiết phải có thêm vấn đề nhân sự trong đề án”, bà Quỳ nói.

Kết quả cuối cùng của đề án, theo bà Quỳ, phải trả lời được câu hỏi, đổi mới mô hình này thì người dân, chính quyền và TP được gì?

Theo bà, trong đề án dễ nhận ra một điều là TP rất mạnh dạn đột phá nhưng “đột phá để mà làm gì, đột phá xong cuối cùng lại trở lại cái cũ thì nó lại bất cập” nếu không làm rõ được hiệu quả thiết thực từ mô hình. Theo đó, cần có đầu tư để có luận giải thuyết phục hơn.

{keywords}

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho rằng, đề án chính quyền đô thị TP.HCM còn nặng lý thuyết

Nặng lý thuyết?

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM Khương Văn Mười đồng tình không thể gọi 4 thành phố mới dự kiến thành lập là “đô thị vệ tinh”. Theo ông, đô thị vệ tinh phải cách xa, nằm rời ra TP trung tâm, phải có sức hút mạnh để làm giảm áp lực đổ xô vào nội thành. Trong khi đó 4 thành phố vệ tinh mà TP dự kiến thành lập lại nằm sát nhau.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cho rằng, đề án còn nặng lý thuyết.

“Có người nói đề án này cái mới là gì. Không lẽ cái mới là thành lập 4 TP mới? Tôi không hình dung được tổ chức, cơ cấu, bộ máy của mô hình chính quyền đô thị vận hành như thế nào”, bà Thảo băn khoăn.

Bà đề nghị nên đưa những đánh giá ưu điểm và khuyết điểm của quá trình thí điểm không tổ chức HĐND huyện - quận, phường vào đề án một cách cụ thể để rút kinh nghiệm.

Ở một góc nhìn khác, bà Trần Thị Bích Liên, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cho rằng, đề án không đánh giá tác động về mặt xã hội sẽ khó thuyết phục thành công.

“Sau khi có sự thay đổi mô hình, những ai còn đương chức rất ủng hộ nhưng những người mất chức sẽ không ủng hộ đâu. Bởi vì, mô hình này sẽ đụng rất nhiều đến nhóm lợi ích”, bà Liên nhận định.

Hầu hết các ý kiến đóng góp cho rằng, sự cấp thiết trong tổ chức lại chính quyền đô thị của thành phố đã rõ vì mấy năm trở lại đây thành phố không theo kịp sự phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, với cơ chế “mở” từ TƯ, không ít ý kiến cho rằng, TP không nên nóng vội xây dựng chính quyền đô thị. Nếu nóng vội sẽ khó khăn trong khâu thực hiện mà hiệu quả không cao, cần tiếp tục lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân cho đề án này.

Tá Lâm