“Ông Phạm Văn Đồng không bao giờ tuyên bố bỏ Hoàng Sa, không bao giờ nói chịu nhượng bộ bất cứ đảo nào của VN, bất cứ đâu” - GS Ngô Vĩnh Long phân tích.

 

Tiếp tục mổ xẻ luận điệu của TQ bám vào Công thư 1958 để bịa ra việc VN bỏ Hoàng Sa và thừa nhận chủ quyền của TQ đối với quần đảo này, GS Ngô Vĩnh Long, Khoa Lịch sử, Đại học Maine, Mỹ đã bác bỏ cách diễn giải hòng giành lấy chủ quyền về dư luận theo cách TQ đang làm.

“Ông Phạm Văn Đồng không bao giờ tuyên bố bỏ Hoàng Sa, không bao giờ nói chịu nhượng bộ bất cứ đảo nào của VN, bất cứ đâu. Ông Phạm Văn Đồng chỉ đồng ý theo yêu cầu của ông Chu Ân Lai rằng, lãnh hải có 12 dặm bởi vì quốc tế lúc đó nói lãnh hải chỉ có 3 dặm thôi. Ông Đồng đồng ý vấn đề đó, không có nghĩa là hiến cả Hoàng Sa cho TQ.”

{keywords}
Giấy chứng sinh của bà Mai Kim Quy tại đảo Hoàng Sa- con gái ông Mai Xuân Tập, nhân viên khí tượng đảo Hoàng Sa.

 

Đồng quan điểm, GS Monique Chemillier -Gendreau, nguyên Chủ tịch Hội luật gia Dân chủ Thế giới phân tích, công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ là “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của TQ nhưng không có sự khẳng định công nhận yêu sách của TQ với hai quần đảo.”

Công thư không có giá trị pháp lý

TQ cho rằng, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của mình và VN đã hơn một lần công nhận chủ quyền của TQ đối với quần đảo này.

Yêu sách đó dựa trên công thư của Thủ tướng VN Dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai vào ngày 14 tháng 9 năm 1958 đã thừa nhận tuyên bố của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ấn định chiều rộng lãnh hải TQ 12 hải lý. Tuyên bố của TQ nói sự mở rộng lãnh hải này áp dụng cho “các quần đảo Đài Loan, Đông Sa, Trung Sa, Tây Sa và Nam Sa và tất cả các đảo thuộc TQ”.

Liệu sự im lặng về tình trạng của Hoàng Sa và Trường Sa trong công thư này có được coi như là sự ngầm công nhận đối với chủ quyền của TQ trên hai quần đảo này?

Ở đây, đối tượng của một sự cam kết đơn phương cần phải thật chính xác. Việc giải thích ý chí của một quốc gia phải thận trọng.

Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng có mục đích đáp ứng yêu cầu của TQ đối với các nước xã hội chủ nghĩa nhằm ủng hộ cuộc đấu tranh của họ chống lại chính sách tự do trên biển của Mỹ theo đuổi trong eo biển Đài Loan, đe dọa tới nền an ninh quốc gia của TQ vào thời kỳ đó.

Công thư cho thấy một sự cam kết mang tính chính trị nhiều hơn pháp lý, một hình thức thường được các nước xã hội chủ nghĩa sử dụng để thể hiện sự đoàn kết về mặt tư tưởng.

Mặt khác, phù hợp với nguyên tắc theo đó “các hạn chế sự độc lập không thể suy diễn”, sự từ bỏ phải được nói rõ và không được suy diễn. Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không chứa đựng bất kỳ sự từ bỏ rõ ràng nào chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hơn nữa, căn cứ vào chức năng quyền hạn của mình, một Thủ tướng không có thẩm quyền từ bỏ hoặc chuyển nhượng lãnh thổ. Thẩm quyền đó thuộc về Quốc hội VN.

Tác giả E. Suy trong tác phẩm Các hành vi pháp lý đơn phương trong công pháp quốc tế cho rằng, “Khó có thể tìm được trong thực tiễn quốc tế các ví dụ từ bỏ hoàn toàn đơn phương. Trên thực tế, một chủ thể luật không thể dễ dàng hi sinh một quyền mà không nhận được các ưu đãi đổi lại. Do vậy, một sự từ bỏ trong phần lớn các trường hợp được cân bằng bởi sự quy thuộc các quyền khác, điều đó một lần nữa lại đưa chúng ta tới hình bóng của luật điều ước. Ngay cả khi, mới chỉ thoạt nhìn ta tin rằng có sự hiện diện của một sự từ bỏ hoàn toàn đơn phương thì cũng nên nghi ngờ bởi vì nó có thể là câu trả lời cho một sự mời mọc hoặc một đề nghị nào đó…”

{keywords}
Giáo sư Ngô Vĩnh Long

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, VN và TQ đã đồng ý rằng, các tranh chấp của hai nước sẽ được giải quyết trong một thời điểm thích hợp thông qua đàm phán.

Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không nằm trong bối cảnh tranh chấp giữa Hà Nội và Bắc Kinh. Vì thế, “không gì có thể ngăn cản các bên đạt thỏa thuận bằng con đường thông thường, đó là một thỏa thuận với điều kiện có đi có lại.”

Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không chứa đựng đặc điểm có đi có lại. Do đó, không thể xem công thư này như là sự từ bỏ chủ quyền đối với quần đào Hoàng Sa và Trường Sa.

“Khi Công thư 1958 gửi TQ, lúc bấy giờ, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của VN Cộng hòa, theo Hiệp định Genève năm 1954 và TQ là một bên tham gia. Theo logic thông thường, bạn không thể cho người khác những gì khi bạn chưa có được. Do đó, Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị trong việc công nhận chủ quyền đối với cái gọi là Tây Sa hay Nam Sa theo cách gọi của TQ" - Phó trưởng ban Biên giới quốc gia Trần Duy Hải.

Như vậy, chỉ có một sự thực rõ nhất đó là TQ đã dùng vũ lực để chiếm đóng Hoàng Sa. Điều này không thể được xem một quyền theo luật pháp quốc tế".

Sau khi TQ giành được quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực, VN đã mất đi yếu tố vật chất của mình trên quần đảo này nhưng người VN vẫn tiếp tục duy trì yếu tố tinh thần của mình bằng các công hàm và tuyên bố không ngừng phản kháng lại sự chiếm đóng bất hợp pháp đó, bảo tồn các quyền đã có từ xưa.

Bởi vì “việc sở hữu một lãnh thổ không chấm dứt chỉ do việc mất đi sự chiếm giữ vật chất, cần phải kèm theo việc mất đi đó ý định từ bỏ lãnh thổ.”

“Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm đóng quân sự, kết quả của việc sử dụng vũ lực trái với các điều khoản của Hiến chương LHQ. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là một đối tượng thụ đắc bởi một quốc gia khác do đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào bằng sự đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực đều là bất hợp pháp" - trích Nghị quyết 2625 của Đại Hội đồng LHQ, ngày 24 tháng 10 năm 1970.

Theo VOV