- Chỉ có dân chủ mới tạo được đồng thuận, chỉ có đồng thuận mới có được hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Trong điều kiện hiện nay, phải giữ bằng được uy tín của Đảng - ông Phạm Thế Duyệt nói.

Hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ VN lần VIII đã diễn ra chiều 6/8 tại Hà Nội.

Theo góp ý của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ VN diễn ra đúng vào lúc chúng ta chuẩn bị tổng kết 30 năm đổi mới và chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có những diễn biến đặc biệt, đặt ra cho Đại hội MTTQ VN lần này những vấn đề khó, cần lắng nghe ý kiến đóng góp rộng rãi của các tầng lớp khác nhau để chắt lọc. 

{keywords}
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Phản biện cực khó

Ông cũng nhìn nhận trong những nhiệm kỳ qua, Đảng và tổ chức nhà nước đã quan tâm, thấy rõ việc phải thực hiện tốt hơn nữa vấn đề dân chủ xã hội thông qua hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội bằng cách phải tổ chức thực hiện tốt hơn việc giám sát xã hội và phản biện xã hội. 

Song, theo ông: “Phản biện cực khó. Phản biện là làm sao lắng nghe được ý kiến của các nhà nghiên cứu, các tổ chức đoàn thể và nhân dân để có thể lên tiếng bác bỏ, không đồng tình hoặc đề nghị thay đổi những nội dung cơ bản trong các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Về phương diện phản biện, tôi hoàn toàn đồng tình về việc cần nhấn mạnh vấn đề này trong phương thức hoạt động của MTTQ. Ghi nhận trong các nhiệm kỳ trước phản biện càng ngày càng tiến bộ hơn, nhưng so với yêu cầu thì còn xa lắm. Chúng ta phải phấn đấu rất nhiều để các hoạt động của các đoàn thể chính trị xã hội và MTTQ thực sự gắn bó với nhân dân, vì lợi ích của nhân dân”.

Ông Trần Đức Lương cũng đề xuất báo cáo chính trị phải đánh giá được tình hình trong nước và quốc tế, nhấn mạnh đến mục tiêu đoàn kết dân tộc.

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng cho rằng chức năng quan trọng của Mặt trận là phản biện xã hội. Thời gian qua, chức năng này của Mặt trận đã được thể hiện, song phản biện còn yếu. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là làm sao phản biện cho được, phản ánh một cách trung thành để các lãnh đạo có quyết sách phù hợp. Mặt trận phải dũng cảm nói lên sự thật, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Dân chủ để tạo đồng thuận

Góp ý cho dự thảo văn kiện, nguyên Chủ tịch UB TƯ MTTQ VN Phạm Thế Duyệt, khẳng định, Mặt trận là tiếng nói đại diện nhân dân, do đó việc nhìn nhận tình hình đất nước, tình hình nhân dân chuẩn xác sẽ giúp Đại hội Đảng đánh giá đúng thực chất tình hình. Ông đề nghị Mặt trận phải phản ánh cho đúng, đầy đủ, rõ ràng tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ trong mối quan hệ giữa Đảng với dân, Nhà nước với dân, cán bộ, hệ thống chính trị với dân trong báo cáo chính trị lần này. 

{keywords}
 Nguyên Chủ tịch UB TƯ MTTQ VN Phạm Thế Duyệt: Mặt trận phải phản ánh cho đúng, đầy đủ tình cảm, suy nghĩ trong mối quan hệ giữa Đảng với dân, Nhà nước với dân, cán bộ

Quan tâm đến những bài học kinh nghiệm rút ra qua 5 năm thực hiện chương trình hành động của Mặt trận nhiệm kỳ 2009 - 2014, ông Phạm Thế Duyệt đặc biệt quan tâm tới bài học phát huy dân chủ, nhất là dân chủ trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trong dân. “Chỉ có dân chủ mới tạo được đồng thuận, chỉ có đồng thuận mới có được hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Trong điều kiện hiện nay phải giữ bằng được uy tín của Đảng”, ông Phạm Thế Duyệt nói.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đề nghị hoạt động của Mặt trận cần theo kịp với đổi mới của xã hội. 5 năm qua, thành phần xã hội, tâm tư, cách sống của xã hội thay đổi rất sâu sắc nên Mặt trận không thể hoạt động theo cách cũ. 

Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất trong 5 năm tới, Mặt trận cần tập trung vào 3 nhiệm vụ cơ bản là chống tham nhũng tiêu cực, nhóm lợi ích, cán bộ xa dân mất niềm tin do Mặt trận có thành viên rộng rãi; giáo dục động viên tinh thần độc lập tự cường của mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, không lệ thuộc nước ngoài.

Theo VOV