- Manila bày tỏ sự thận trọng sau tuyên bố của Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Thanh về việc hai bên cùng khai thác dầu khí tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm qua cho hay, bất kỳ hoạt động cùng khai thác nào ở trong những vùng lãnh thổ tranh chấp đều phải tuân thủ luật pháp Philippines.

“Chúng tôi ở vị trí thận trọng trước tuyên bố của Trung Quốc về việc phát triển chung”, ông Del Rosario nói với nhật báo Philippines Inquirer. “Các thoả thuận thương mại nào về thăm dò dầu khí nên để cho lĩnh vực tư nhân có liên quan thực hiện. Bất kỳ thoả thuận thăm dò nào ở Biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông - NV) cũng phải tuân thủ luật pháp quốc gia”, ông nhấn mạnh.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với Inquirer, đại sứ Mã cho biết, Trung Quốc sẵn sàng tham gia cùng với Philippines thăm dò dầu khí và các tài nguyên khoáng sản khác ở Biển Đông. Bà nói: “Đó là cách thức rất hợp lệ” khi tranh chấp biên giới hàng hải giữa các bên có thể chưa được giải quyết “trong ngắn hạn”.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario. Ảnh: asianweek
Bà Mã nhấn mạnh, hai bên nên cho phép tổ chức thăm dò dầu khí - Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và Diễn đàn Năng lượng của phía Philippines (tập đoàn của 2 doanh nhân Mahuel V.Pangilinan và Enrique Razon Jr) - đạt được thỏa thuận để xác định và tối đa hóa tiềm năng dầu khí ở Bãi Cỏ Rong - Recto Bank (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - NV) ngoài khơi tỉnh Palawan.

Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân trong một bài phát biểu gần đây cũng nói, “phát triển chung có thể là cách tiếp cận thực tế” để giải quyết tranh chấp hàng hải. Ông này không quên khẳng định rằng, Trung Quốc phản đối việc sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong giải quyết vấn đề tranh chấp.

Về phần mình, ông Del Rosario từ chối bình luận thêm khi được hỏi về đề xuất của Trung Quốc liệu có thể ảnh hưởng tới tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei đều có khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Trong đó Bắc Kinh đưa ra yêu sách lớn nhất, bao trùm hầu hết vùng biển được tin là giàu tài nguyên dầu khí và khoáng sản này.

CNOOC được cho là đã bắt đầu tiến hành khoan nước sâu ở một số phần của Biển Đông. Trung Quốc đưa ra cam kết giải pháp hoà bình cho tranh chấp hàng hải giữa lúc Philippines phản đối việc Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế như tuần tra, tập trận và xây dựng tại các khu vực tranh chấp trên biển.

Thái An (theo Inquirer)