- Cuối buổi thảo luận của QH về dự thảo luật sửa đổi luật Luật sư sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân "thiết tha" đề nghị nên khuyến khích các giảng viên dám nhận làm luật sư.

E ngại thầy trò ngồi cùng phòng xét xử

Cả ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đều tán thành quy định không cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật.

Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, kết quả tổng kết 5 năm thi hành luật Luật sư cho thấy, một trong những hạn chế căn bản của hành nghề luật sư thời gian qua là “hoạt động hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư chưa mang tính chuyên nghiệp, số luật sư hành nghề kiêm nhiệm các công việc khác vẫn còn khá cao chiếm trên 20%, điều này đã làm cho hoạt động luật sư hiện nay bị kém hiệu quả và kém chất lượng”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Ban soạn thảo nên nhìn sang đội ngũ hành nghề y...

Việc cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được kiêm nhiệm nghề luật sư sẽ không khắc phục được tình trạng trên. Hơn nữa, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy, khó bảo đảm chất lượng hành nghề luật sư và cũng không phù hợp với mục tiêu xây dựng đội ngũ luật sư theo hướng chuyên nghiệp.

Cũng theo ông Hiện, không nên cho phép viên chức chỉ làm công tác luật sư tư vấn, bởi như vậy sẽ  hình thành hai loại luật sư: luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng. Điều này không phù hợp với quy định hiện hành và định hướng phát triển nghề luật sư cũng như xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh rằng, mặc dù luật Luật sư không cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư, nhưng theo quy định hiện hành, họ vẫn được phép tham gia tư vấn pháp luật theo nhiều hình thức khác nhau (tư vấn miễn phí, tư vấn cho tổ chức trợ giúp pháp lý...).

Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH đưa ra những quan điểm trái ngược nhau.

Đồng tình với cơ quan soạn thảo, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, nếu trường hợp thầy giáo bào chữa thành công thì không sao, nhưng chỉ cần một vụ việc bào chữa thất bại thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh người thầy.

Đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) nêu ý kiến, quy định như trên  thể hiện sự tôn trọng với nghề luật sư bởi công việc này cần chuyên sâu chứ không thể "tay trái". Mặt khác, giảng viên đi tư vấn luật sẽ ảnh hưởng đến thời gian dành cho công việc chuyên môn.

Một số ý kiến khác đưa ra lý lẽ, chỉ e giảng viên làm luật sư bào chữa ngay trong phiên tòa mà thẩm phán lại là học trò cũ, liệu kết quả xét xử có bị chi phối?

Đừng "dạy cái nghề mình không làm được"

Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), không cho phép giảng viên hành nghề luật là lãng phí chất xám, đồng thời xóa bỏ cơ hội cho phép giảng viên được cọ xát thực tiễn.

ĐB Chu Sơn Hà: Đội ngũ thẩm phán chỉ được xét xử theo pháp luật...

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói, đừng để xảy ra tình trạng "dạy người ta cái nghề mà mình không làm được". Bởi thực tiễn cho giảng viên luật làm nghề luật sư vừa ích lợi cho đội ngũ làm luật vừa tốt cho các giảng viên, tránh tình trạng giảng chay.

Ông Nghĩa cho rằng không nên e ngại các thầy sẽ chi phối đến trò làm thẩm phán, bởi nếu đã muốn chi phối thì chỉ cần ông thầy ngồi ở nhà "bốc" điện thoại can thiệp là xong. Hơn nữa, nếu cấm giảng viên làm luật sư cũng không hạn chế được các tiêu cực trong lĩnh vực xét xử.

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo nói thẳng, trong Liên đoàn Luật sư cũng đang có một nửa đồng tình với ban soạn thảo, một nửa phản đối. "Người ủng hộ muốn đội ngũ luật sư mạnh hơn. Còn những người phản đối sợ bị cạnh tranh. Nhưng theo tôi, không nên để lãng phí đội ngũ giỏi như vậy", ông Thảo nói.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) bổ sung, việc thầy - trò ngồi cùng một phòng xét xử cũng có thể sẽ xảy ra. Nhưng đội ngũ thẩm phán đã có những quy tắc đạo đức nghề nghiệp và chỉ được xét xử theo pháp luật.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dành ít phút cuối buổi thảo luận để nêu quan điểm từ góc độ người từng làm công tác giảng dạy đồng thời là người quản lý.

Ông Nhân "thiết tha" đề nghị nên khuyến khích các giảng viên dám nhận làm luật sư. Bởi, "với phương châm học đi đôi với hành, thậm chí giúp cho hành tốt thì nên khuyến khích". Theo ông Nhân, hoàn toàn có chế tài để yêu cầu giảng viên nếu đã hành nghề luật sư thì sẽ phải làm tốt hai vai trò.

Chẳng hạn, nếu giảng viên không hoàn thành việc giảng dạy thì có thể bị đình chỉ. Nhà trường sẽ quy định quỹ thời gian dành cho việc dạy học. Đồng thời, không phải giảng viên nào cũng được hành nghề luật mà phải đáp ứng các điều kiện như thâm niên công tác hoặc đạt trình độ nhất định (tiến sĩ, thạc sĩ).

Ban soạn thảo cũng nên nhìn sang đội ngũ hành nghề y. Hiện nay rất nhiều vị trưởng, phó khoa trong các bệnh viện lớn cũng là trưởng, phó một bộ môn giảng dạy ở nhà trường và nhận được sự tín nhiệm ở cả hai vị trí.

Quan điểm của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhận được sự tán thành của nhiều đại biểu.

Sau phiên thảo luận hôm nay, dự thảo luật sẽ còn được chỉnh lý, tiếp thu trước khi đưa ra biểu quyết vào cuối kỳ họp.

Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng