– Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế vào ngày 11/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế không được chủ quan và phải áp dụng mọi biện pháp không để tình trạng dịch chồng dịch xảy ra trong thời gian tới.

>> Toàn cảnh gồng mình chống dịch sởi
>> Sau dịch sởi sẽ đến bệnh nào?

Nhiều dịch bệnh cùng lưu hành

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay tình hình một số dịch bệnh mới nổi diễn biến phức tạp trên thế giới và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta như MERS-CoV, cúm A(H7N9), cúm A(H5N6).

Thêm vào đó chủng vi rút bại liệt hoang dại đang ghi nhận tại 10 quốc gia trên thế giới khu vực châu Á, châu Phi có nguy cơ xâm nhập và ảnh hưởng tới thành quả thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000 của Việt Nam.

{keywords}
Bên cạnh dịch sởi, còn nhiều dịch bệnh khác bắt đầu vào mùa (Ảnh: C.Q)

Với dịch sởi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước đã ghi nhận 4.311 trường hợp mắc sởi xác định trong số 17.594 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố, ghi nhận 138 trường hợp nặng xin về và tử vong liên quan đến sởi tại khu vực miền Bắc.

Cho đến thời điểm này, dịch sởi đã chững lại và đang có xu hướng giảm.

Rà soát, bổ sung vắc xin vào chương trình tiêm chủng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế cần rà soát lại các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (hiện có 11 loại) với tinh thần những bệnh có thể gây bùng phát dịch, lây nhiễm, hoặc cả bệnh không lây nhiễm nhưng liên quan đến số đông thì trình Chính phủ bổ sung vào Chương trình.

Đồng thời các cơ sở y tế dự phòng phải có kế hoạch, lập dự trù tốt từ trước để tránh xảy ra hiện tượng Bộ Y tế thì nói đã có đầy đủ vắc xin nhưng nhiều cơ sở tiêm chủng lại thông báo với người dân là hết vắc xin.

Bên cạnh các dịch bệnh trên, các dịch bệnh lưu hành như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết mặc dù có số mắc thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013, song đã bắt đầu gia tăng tại một số tỉnh, thành phố cùng với một số dịch bệnh khác thường có nguy cơ gia tăng vào mùa hè như bệnh tiêu chảy cấp, bệnh viêm não vi rút, bệnh dại, ...

Với tay chân miệng, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 18.659 trường hợp mắc ở hầu hết các địa phương trên cả nước, ghi nhận 2 trường hợp tử vong. Bệnh sốt xuất huyết cả nước đã ghi nhận hơn 8.000 trường hợp mắc, 4 trường hợp tử vong.

Thứ trưởng Long nhận định, bệnh tay chân miệng bắt đầu có xu hướng gia tăng, trong khi đó bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng.

Trong khi đó, bệnh sốt xuất huyết cũng chưa có thuốc và vắc xin điều trị đặc hiệu trong khi tháng 5 tới là thời điểm vào mùa mưa, muỗi phát triển nhanh chóng là nguyên nhân khiến bệnh có thể gia tăng trong thời gian tới.

Không để dịch chồng dịch

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế không được chủ quan trong việc phòng chống dịch bệnh, đồng thời phải luôn luôn đặt trong tình trạng chủ động phòng chống dịch bệnh ở mức cao nhất.

Ông cũng gợi ý có thể dựa vào kinh nghiệm chống dịch SARS thành công của nước ta đã được thế giới công nhận để phân tích những ưu điểm, nhược điểm cần rút kinh nghiệm và áp dụng theo đó để phòng chống dịch hiện nay.

Đối với dịch sởi, Phó Thủ tướng lưu ý, mặc dù Bộ Y tế báo cáo số mắc có giảm nhưng cần quan tâm đến tổng số người nghi mắc sởi vẫn gia tăng và có thể dịch sởi mới chỉ giảm về tốc độ, vì vậy, tuyệt đối không được chủ quan.

Ông cũng lưu ý Bộ Y tế cần phải siết chặt hơn việc tiêm các loại vắc xin khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tránh lặp lại tình trạng người dân bỏ tiêm vắc xin sởi như thời gian qua.

Sởi chững lại nhưng vẫn ở mức cao

Trong những ngày qua, bệnh nhân sởi đã giảm nhưng số mắc vẫn ở mức cao, trung bình mỗi ngày có từ 40-50 ca mắc mới. Hiện đang có 367 bệnh nhân sởi đang điều trị tại BV Nhiệt đới, Nhi TƯ và Bạch Mai.

Tính đến ngày 11/5/2014, tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi trên phạm vi toàn quốc đạt 93,2%. Tại Hà Nội, theo kế hoạch thì bắt đầu từ ngày hôm nay (12/5) Sở Y tế Hà Nội sẽ triển khai tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 2 đến dưới 10 tuổi tại 30/30 quận/huyện.

Cẩm Quyên