- Những ngày giáp Tết, nhu cầu về thăm quê của người dân là rất lớn. Đa số người dân chọn mua vé xe khách tại bến. Nhưng vẫn còn nhiều người chọn đón xe dọc đường, tạo điều kiện cho cò vé, xe dù hoạt động.

Chiều ngày 18/1 (tức 25 âm lịch), chúng tôi có mặt trên tuyến đường QL 1A đoạn ngã tư Gò Dưa. Trên đoạn đường kéo dài khoảng 2km nhưng có tới đến 3 bến cóc. Mỗi bến có hàng chục người, kẻ đứng, người ngồi chờ xe tới rước với bộ dạng hết sức mệt mỏi…

Xe dù liên tục dừng đón khách tại các bến cóc trên tuyến đường QL 1A đoạn gần ngã tư Gò Dưa.

Xe khách liên tục dừng đỗ tại những bến cóc này để lôi kéo, chào mời khách. Mặc dù cách đó không xa, lực lượng thanh tra giao thông vẫn đang kiểm tra gắt gao và xử lí vi phạm nhiều xe.

Theo quan sát của chúng tôi, 13 giờ chiều, đang là giờ cao điểm, lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông khá đông nhưng nhiều “xe dù” vẫn vô tư dừng đón khách giữa đường, như chốn không người. Tình trạng ùn tắc cục bộ trên tuyến đường QL 13, QL 1 thường xuyên xảy ra.

Điều đang nói là, phần lớn xe dù đều xuất bến từ các cây xăng trên tuyến đường QL 1A, với “điểm nóng” như cây xăng Huệ Thiên (khu phố 4, phường Tam Bình, quận Thủ Đức)… 

Tại cây xăng này, nhiều “xe dù” tới nằm chờ khách.

Tại các bến cóc, số khách chấp nhận chờ đợi tại đây cho biết, đã đặt chỗ với chủ xe qua điện thoại, hẹn địa điểm xe đón nhưng đều phải chờ rất lâu. Khi khách gọi điện hỏi, chủ xe lấy lý do xe đến trễ do kẹt xe hoặc do xuất bến chậm. Nhưng thực chất, nhiều xe chạy rất chậm hoặc vẫn nằm chờ tại các cây xăng tới khi đủ lượng khách mới xuất bến.

Theo các hành khách, sở dĩ họ chọn đi xe dọc đường vì khá thuận tiện, không phải chở hành lí cồng kềnh vào bến, đỡ tốn thời gian mà giá tiền cũng bằng với giá vé trong bến xe. Đối với sinh viên và người có thu nhập thấp thì giá vé mỗi tuyến xe là điều họ quan tâm nhất.

Người đàn ông đang chờ xe tại một “bến cóc” trên đường quốc lộ 1.
Ông Nguyễn Minh (ngụ xã Cát Hưng, Bình Định) cho biết, đón xe dọc đường giá rẻ hơn từ 50 - 100 nghìn đồng so với vào bến xe. Gia đình khó khăn, ông phải vào thành phố kiếm việc làm, nuôi con học đại học, tiết kiệm được một chút tiền cũng là tốt lắm rồi.

Tuy nhiên, thực tế dù giá rẻ, nhưng khi khách lên xe đi được nửa đường thì lơ xe đòi thêm tiền hành lí. Có xe đề là “Quảng Ngãi” nhưng chưa đến bến đã “bán” khách lại cho xe khác. Các hành khách ý thức được đi xe dù có nhiều “thử thách” nhưng họ cho rằng đón xe là may rủi; may mắn thì gặp xe đàng hoàng, xui xẻo thì gặp xe không tốt.

Với quan niệm như vậy, nhiều người dân vẫn lựa chọn đi xe dù, đón ở bến cóc, vì vậy khiến vấn nạn này càng khó giải quyết hơn.

Lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra gắt gao nhưng xe dù vẫn ngang nhiên hoạt động.
Tại bến xe khách Miền Đông, ngay từ đầu tháng 11/2011, Ban giám đốc bến xe trình lên các cơ quan chức năng kế hoạch phục vụ xe về Tết cho người dân; xử lý triệt để tình trạng cò vé.

Chiều 18/1, chúng tôi có mặt tại khu vực bán vé của bến xe miền Đông, anh Lê Đình Dương (26 tuổi, ngụ Thanh Hóa) cho biết: “Hàng năm, tôi về quê, thường mua vé tại bến. Năm nay mua vé rất dễ, không sợ bị cò vé lừa hay xe chạy không đúng tuyến”

Chờ đợi đón xe trong tâm trạng lo âu.
Còn bác Trần Quang Xá (50 tuổi, ngụ Nam Định) thì cho rằng tuy giá vé có hơi cao so với mức lương của người có thu nhập thấp nhưng dịch vụ xe khách tốt hơn và đảm bảo chính xác về thời gian.
Những ngày giáp Tết, rất nhiều người chờ đợi trong bến xe để mong sớm được về quê.

Xe dù “đại náo” ngày càng nhiều, mong cơ quan chức năng tăng cường xử lý, nhằm đảm bảo an toàn giao thông cùng quyền lợi của hành khách.

  • Minh Nhật