- GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, trao đổi với VietNamNet ngay sau thông tin Tổng thống Obama dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với VN.

GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, trao đổi với VietNamNet ngay sau thông tin Tổng thống Obama dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với VN.

- Dù việc này đã được đề cập và vận động nhiều trước chuyến thăm, thông tin này vẫn khiến công chúng bất ngờ khi được nghe từ thông báo của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trưa 23/5. Cá nhân ông có nghĩ quyết định này sẽ đến sớm thế?

GS. Carl Thayer: Trước chuyến đi này, tôi đã có trả lời phỏng vấn rằng “tôi đã có khuynh hướng tin rằng ông Obama sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận này”. Đó là một đánh giá tích cực nhưng xác thực.

Tôi lập luận rằng Tổng thống Obama đang tìm cách xóa bỏ những tồn dư của quá khứ để vạch ra lộ trình cho tương lai. Ông Obama đã bình thường hóa quan hệ với Cuba, đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Iran và dỡ bỏ nhiều lệnh trừng phạt đối với Myanmar.

Tôi lập luận rằng quan hệ với VN tích cực hơn nhiều so với các nước trên, do đó Tổng thống Obama sẽ dỡ bỏ cấm vận vũ khí. Nhưng đúng là không thể chắc chắn 100% khi nào ông ấy đưa ra quyết định cho đến khi quyết định được đưa ra.

{keywords}

GS. Carl Thayer. Ảnh: Phương Mai

- Theo ông, đâu là động cơ và mục đích thực sự đằng sau động thái này?

Tổng thống Obama muốn thể hiện sự thành công của chính sách tái cân bằng ở châu Á mà ông khởi xướng. VN chính là một câu chuyện thành công.

VN tham gia đàm phán TPP từ sớm và góp phần đồng thuận trong thỏa thuận cuối cùng. VN và Mỹ đạt được thỏa thuận về quan hệ đối tác toàn diện năm 2013.

Tổng thống Obama đã nói trong cuộc họp báo chung đó rằng ông muốn loại bỏ vết tích của Chiến tranh Lạnh và bình thường hóa hoàn toàn quan hệ, phát triển những hợp tác quốc phòng mạnh mẽ trong dài hạn. 

- Dường như đây là một chiến thắng cho VN, còn theo ông, ai là người hưởng lợi nhiều hơn và thực sự trong sự thay đổi này?

Cả hai bên đều hưởng lợi vì dỡ bỏ lệnh cấm vận mở ra cơ hội hợp tác. Nhưng chúng ta phải nhớ Tổng thống Obama đã báo trước mối liên hệ chặt chẽ giữa mua bán vũ khí và tình hình nhân quyền ở VN.

VN hưởng lợi vì điều bị coi là hành động phân biệt đối xử về chính trị giờ đã được gỡ bỏ. VN có lẽ sẽ không ngay lập tức mua sắm lớn những thiết bị quốc phòng đắt đỏ. VN sẽ mua sắm các sản phẩm quốc phòng đồng thời hợp tác về công nghệ quốc phòng, tiến tới cùng sản xuất.

Mỹ được lợi vì một chướng ngại vật lớn trong hợp tác quốc phòng đã được loại bỏ.

- VN nên làm gì để tận dụng tốt cơ hội này? Việc này có làm thay đổi cán cân vũ khí Nga và Mỹ trong quân đội VN? 

Trước mắt và lâu dài, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ không dẫn đến việc giảm ngay quan hệ quốc phòng giữa Nga và VN. Các chuyên gia kỹ thuật và sỹ quan quân đội VN được đào tạo theo công nghệ và phương pháp của Nga. Những trang thiết bị tối tân nhất của VN như máy bay Su-30, tàu khu trục lớp Gepard và tàu ngầm lớp Kilo tiên tiến đều do Nga sản xuất.

{keywords}

Công bố bỏ hẳn cấm vận vũ khí với VN, Tổng thống Obama đảm bảo VN sẽ tiếp cận được các vũ khí cần để bảo vệ quốc gia

VN cần tiếp cận công nghệ quốc phòng của Mỹ có thể hỗ trợ cho việc mạng lưới hóa các hệ thống của mình và cung cấp thông tin thời gian thực về các diễn biến trong lãnh hải VN.

VN đang chú ý đến một lĩnh vực rất chuyên biệt là công nghệ truyền thông tiên tiến, radar và tình báo bờ biển, công nghệ giám sát và trinh sát hỗ trợ cho việc nắm bắt thông tin trong lãnh hải.

VN nên tận dụng lợi thế của việc dỡ bỏ cấm vận để khám phá hết những thiết bị và công nghệ quốc phòng mà Mỹ sẽ bán, từ đó dần dần tiếp thu công nghệ và tích hợp vào các lực lượng vũ trang của mình.

- Ông dự đoán thế nào về phản ứng của TQ trước diễn biến mới này trong quan hệ Việt - Mỹ? 

TQ không ở vào vị trí thuận lợi để làm khó cho VN vì điều đó cũng tổn hại đến lợi ích của TQ trong việc phát triển quan hệ với VN nếu họ tự thu hẹp không gian hợp tác. TQ cũng không muốn đẩy VN về phía Mỹ.

Chung Hoàng