Gói chính sách này chắc chắn sẽ phát huy tác dụng

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023, ĐBQH Tạ Thị Yên, Phó Ban Công tác đại biểu cho rằng gói chính sách tài khóa, tiền tệ với tổng quy mô hỗ trợ là 291 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác 10 nghìn tỷ đồng… là một sự cố gắng rất lớn của Nhà nước.

Từ đó thể hiện sự trách nhiệm, đồng cảm, quan tâm sâu sắc và cam kết hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn khó khăn này của nền kinh tế.

"Tôi tin rằng gói chính sách này chắc chắn sẽ phát huy tác dụng, tạo được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đón nhận, ủng hộ", Phó Ban Công tác Đại biểu nhấn mạnh.

{keywords}
Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Ban Công tác đại biểu

Bà cũng bày tỏ nhất trí cao với đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng với mức 2% áp dụng cho năm 2022 nhằm kích cầu tiêu dùng.

Đại biểu cũng ủng hộ việc cho phép doanh nghiệp tính vào chi phí, khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covip-19 để động viên, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức tiếp tục ủng hộ, tài trợ nhằm thu hút thêm nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống dịch.

Phó Ban Công tác Đại biểu đồng tình với việc tăng cường phân bổ nguồn lực cho lĩnh vực y tế và phòng, chống dịch bệnh. Bà cũng đề nghị cần rà soát, xác định lại chi phí tài chính trong phòng chống dịch bệnh vừa qua của các cơ sở y tế công lập đang thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Việc này để làm sao tháo gỡ những khó khăn hiện tại cho các cơ sở này.

“Đồng thời tôi cũng đề nghị bổ sung các quy định và cơ chế thanh toán chi phí, khi sử dụng cơ sở y tế công lập tự chủ tài chính, cũng như huy động nguồn lực của y tế tư nhân, vào trong công tác phòng, chống dịch Covid-19”, đại biểu Tạ Thị Yên nói.

Ưu tiên kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng

Đối với đầu tư kết cấu hạ tầng, bà Yên đồng ý với việc ưu tiên kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm và có tính cấp thiết, cấp bách. Đồng thời cần tách giải phóng mặt bằng ra thành một dự án riêng vì có đất sạch là rất quan trọng. Lâu nay nhiều dự án bị vỡ tiến độ, tăng chi phí tổng mức đầu tư, nguyên nhân là đều do vướng mắc trong khâu này.

Do đó, các công trình, dự án khi được bổ sung vào danh mục phải đảm bảo yêu cầu giải ngân nhanh để có tác động lan tỏa tới nền kinh tế. Vì vậy cần tập trung cho các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mà Quốc hội đã cho ý kiến, tránh đưa vào các dự án mới chưa đủ thủ tục đầu tư, rất khó có thể triển khai thực hiện và giải ngân ngay trong năm 2022-2023.

Như 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông mà Chính phủ cũng báo cáo với Quốc hội là cần tới 3 năm để hoàn tất các thủ tục đầu tư và 2-3 năm để thi công hoàn thành.

Nếu có được bổ sung thêm dự án mới thì nên ưu tiên tối đa cho hạ tầng giao thông, thủy lợi các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, nhất là các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) đang cần nguồn vốn của Nhà nước để dẫn dắt đầu tư tư nhân.

Bên cạnh đó, nữ đại biểu cũng lưu ý, do tổng nguồn lực của các chính sách rất lớn, thực hiện trên diện rộng, áp dụng với nhiều đối tượng, lại trong thời gian ngắn nên rất dễ phát sinh vướng mắc, thậm chí tiêu cực trong thực tiễn.

Do đó rất cần có các quy định chi tiết để triển khai gắn với việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát; quy định chế độ báo cáo, đánh giá hiệu quả của chính sách gắn với trách nhiệm giải trình, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.

Thu Hằng

Vụ Việt Á: Kiến nghị làm rõ trách nhiệm Bộ Y tế và Bộ Khoa học Công nghệ

Vụ Việt Á: Kiến nghị làm rõ trách nhiệm Bộ Y tế và Bộ Khoa học Công nghệ

Cử tri và nhân dân kiến nghị mở rộng điều tra xác định rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, các tổ chức, cá nhân để xử nghiêm sai phạm, không bỏ lọt tội phạm.