- Bão số 7 còn cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi – Phú Yên 700km về phía Đông, dự kiến đổ bộ khu vực Quảng Ngãi – Bình Định chiều và tối 6/10. Toàn khu vực nam Trung bộ và Tây Nguyên có mưa lớn, đề phòng ngập úng, sạt lở đất.

Theo bản tin phát đi hồi 14h30p ngày 5/10 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13h ngày 5/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 115,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quãng Ngãi - Phú Yên khoảng 700 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 13 giờ ngày 6/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Phú Yên khoảng 250 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Đường đi và vị trí cơn bão. (Ảnh: Theo NCHMF)

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới; sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Đến 13 giờ ngày 7/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,9 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam – Cam Pu Chia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, suy yếu và tan dần.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.

Từ sáng mai (6/10), vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.

Từ chiều tối và đêm ngày 6/10, ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; các tỉnh Bắc Tây Nguyên có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.

Từ chiều mai (6/10) ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và bắc Tây Nguyên sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Trước tình hình bão đang áp sát gần bờ, các địa phương trọng điểm có thể thuộc vùng tâm bão đi qua như Quảng Ngãi, Bình Định và các tỉnh lân cận như Phú Yên, Quảng Nam, Đà Nẵng đang gấp rút triển khai kế hoạch phòng chống.

Hiện nay, toàn tỉnh Phú Yên còn 267 tàu cá với 1.661 lao động đang hoạt động trên biển đều liên lạc về với gia đình và các đồn biên phòng; trong đó có 109 tàu cá với 1.010 lao động đang hoạt động ở khu vực Quần đảo Trường Sa.


Bộ đội biên phòng giúp dân đưa tàu vào bờ tránh bão.

Ban chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã tổ chức họp khẩn để triển khai phương án nhằm ứng phó với cơn bão số 7. Phương án đưa ra là từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải túc trực thường xuyên 24/24 và thông tin cho dân biết diễn biến cơn bão số 7; phối hợp với Bộ đội biên phòng kiểm tra tàu thuyền đang neo đậu, không cho các tàu thuyền ra khơi và thông báo các chủ phương tiện diễn biến cơn bão để đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn; chính quyền các địa phương phải hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, đồng thời lên phương án di dời dân sơ tán đến những điểm đã định sẵn.

Báo cáo thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của TP.HCM được công bố 2 ngày trước, trong giai đoạn từ cuối 2007 đến 2012, đã có 37 cơn bão, 25 cơn áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông.

Bên cạnh đó còn xuất hiện 30 đợt lốc xoáy, mưa giông và sét, có 11 đợt triều cường cao từ mức báo động cấp III (1,50 m) trở lên, 35 vụ sạt lở xảy ra trên địa bàn thành phố. Thiên tai đã làm 05 người chết, 29 người bị thương, thiệt hại 1.400 căn nhà cấp 4 và mái lá, bể 144 đoạn bờ bao thiệt hại hoàn toàn 3.342 tấn muối/1.614,7 ha.

 

Các nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’năng bố trí người bảo vệ công trình, đảm bảo vận hành liên hồ chứa để xả lũ an toàn cho vùng hạ lưu. Những công trình đang thi công phải có kế hoạch chằng chống kho tàng, di chuyển phương tiện đến nơi an toàn...

Đến trưa 5/10, mặc dù trên địa bàn Quảng Ngãi chưa ảnh hưởng nhiều của cơn bão số 7, thế nhưng các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các xã ven biển đã chủ động phương án đối phó với cơn bão gần bờ này một cách nghiêm túc.

Ông Phạm Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, hiện toàn huyện có 1.500 hộ dân nằm trong vùng di dời khẩn cấp. Đến nay các phương án đã được chuẩn bị sẵn sàng, khi có lệnh sẽ huy động lực lượng giúp dân di dời đến nơi an toàn.

Ông Ngô Duy Mười, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy biên phòng Quảng Ngãi cho biết, hiện nay phần lớn các tàu của Quảng Ngãi đã được hướng dẫn tìm nơi tránh trú bão an toàn. Công tác cứu hộ, cứu nạn cũng được lực lượng bộ đội biên phòng Quảng Ngãi triển khai kỹ lưỡng.

Trực tiếp đi kiểm tra địa bàn, sáng 5/10, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng cho rằng: bão số 7 là cơn bão mạnh và phức tạp, vì vậy các địa phương phải hết sức cảnh giác. Cần tiếp tục kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra cần chuẩn bị để sẵn sàng di dời dân khi cần thiết…

Cũng ở vùng ít bị ảnh hưởng bởi cơn bão nhưng Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM cũng cho biết, thực hiện công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền trước diễn biến của bão số 7, hiện đã rà soát hàng ngàn tàu thuyền hoạt động trên địa bàn thành phố.

Hiện có 1.746 tàu thuyền trên địa bàn thành phố với khoảng gần 7.000 thuyền viên, không có tàu nào hoạt động trong vùng nguy hiểm được xác định theo thông báo của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Đầu giờ chiều ngày 5/10, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TW đã họp bàn chỉ đạo phương án đối phó bão số 7.

Nhận định bão số 7 còn diễn biến phức tạp, có thể mạnh lên và di chuyển nhanh hơn, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chồng lụt bão TW kiến nghị các địa phương nằm trong vùng nguy hiểm (đã được thông tin) cần hoàn thành gấp rút các biện pháp phòng chống trước khi bão đổ bộ.

Theo Báo cáo của cơ quan thường trực - Bộ Đội biên phòng, đến 11 giờ trưa ngày 5/10, đã thông báo và hướng dẫn cho 50.256 tàu với 251.913 người đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Các tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã có lệnh cấm tàu thuyền ra khơi, các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Trị dự kiến cấm tàu thuyền ra khơi chiều 5/10 và sáng ngày 6/10. Riêng tỉnh Bình Định chi đạo các địa phương tập trung thu hoạch lúa vụ ba.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TW, hiện tình hình các hồ chứa vẫn an toàn.

Nhóm PV