- Trao đổi với VietNamNet, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Trung thừa nhận tiêu chuẩn về ngoại ngữ với thứ trưởng là quá cao, song đây mới là dự thảo lần đầu, sẽ sửa ngay cho phù hợp.

Bộ Nội vụ vừa ra dự thảo nghị định về tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước để xin ý kiến nhân dân. Xin ông giải thích việc dự thảo đặt ra tiêu chuẩn về ngoại ngữ rất cao. Chính Bộ trưởng GD-ĐT cũng thừa nhận dạy và học ngoại ngữ ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa đạt chuẩn, vậy đặt ra tiêu chuẩn này có phải là "đánh đố" quá không?

Thực ra đây là dự thảo lần đầu, cho nên không khỏi còn nhiều khiếm khuyết, hoặc có điểm chưa phù hợp và đang được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, đăng trên trang tin điện tử của Bộ Nội vụ để xin ý kiến nhân dân.

Chúng tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, các nhà quản lý, nhà khoa học và nhân dân để hoàn thiện dự thảo.

{keywords}
Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Trung. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tiêu chuẩn về ngoại ngữ nêu ra trong dự thảo có thể là yêu cầu quá cao so với thực trạng trình độ ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay. Chúng tôi cũng đang trao đổi với Bộ GD-ĐT để xác định mức tiêu chuẩn ngoại ngữ cho phù hợp với thực tế nhưng cũng phải bảo đảm được yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay và lâu dài. Chúng tôi sẽ điều chỉnh ngay cho phù hợp.

Dự thảo đưa ra những tiêu chuẩn như có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, vậy những tiêu chuẩn này sẽ được đánh giá như thế nào, dựa trên các tiêu chí nào?

Những tiêu chuẩn liên quan đến tinh thần yêu nước, tận tụy phục vụ nhân dân là sự kế thừa quy định hiện nay đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trước đây, hiện nay và trong thời gian tới, người lãnh đạo, quản lý đều phải và luôn luôn phải có tinh thần yêu nước, tận tụy phục vụ nhân dân.

Các tiêu chuẩn này phải được thể hiện thông qua các tiêu chí như: kết quả, thành tích đã đạt được, sự tận tâm, tận lực giải quyết các yêu cầu của nhân dân, như Bác Hồ đã nói: "Những gì có hại cho dân thì hết sức tránh, những gì có lợi cho dân thì hết sức làm", là không gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ... Đó cũng chính là đạo đức công vụ. 

Dự thảo nghị định cũng đặt ra các tiêu chuẩn như đang giữ ngạch chuyên viên cao cấp, có lý luận chính trị cao cấp... Xét nền hành chính của nước ta hiện nay, để đạt những tiêu chuẩn này không thể không mất thời gian, vậy có phải là trở ngại đối với những người trẻ tuổi không?

Đây là các tiêu chuẩn được xây dựng không phải chỉ để phục vụ cho việc bổ nhiệm, mà còn để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch nguồn cán bộ và bản thân cán bộ, công chức phấn đấu, đạt tiêu chuẩn. Qua đó, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

Đối với những người trẻ tuổi thì sẽ không có trở ngại gì vì cơ quan có thẩm quyền quản lý phải có trách nhiệm tạo điều kiện để hoàn thành đủ các tiêu chuẩn quy định. Mặt khác, chính các quy định này còn tạo động lực cho lớp trẻ phấn đấu tự khẳng đinh mình.

Là cơ quan soạn dự thảo này, Bộ Nội vụ có liên hệ thực tế ngay trong cơ quan mình để đưa ra những tiêu chuẩn phù hợp và khả thi không?

Khi xây dựng dự thảo này, chúng tôi cũng phải tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung cũng như nghiên cứu yêu cầu của đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học, nhà quản lý đóng góp cho dự thảo luôn được chúng tôi quan tâm nghiên cứu và tiếp thu để hoàn thiện.

Bộ Nội vụ cũng đang chuẩn bị tổ chức một số cuộc hội thảo để trao đổi, thảo luận về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau để hoàn thiện, bảo đảm tính khả thi trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chúng tôi mong muốn nhận được nhiều ý kiến phản biện của các cơ quan, tổ chức, các nhà quản lý, nhà khoa học và nhân dân để hoàn thiện dự thảo.

C.Hoàng - H.Anh