- Tình hình Biển Đông đòi hỏi VN phải chủ động và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng khu vực và quốc tế làm sáng tỏ thêm các quy định chưa rõ ràng của Công ước Luật biển 1982 như quy chế các đảo, đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm, xây dựng các công trình trên biển, khảo sát chi tiết vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa...

VN được thiên nhiên và luật pháp quốc tế ưu đãi cho vùng biển lớn, giàu tài nguyên, cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Chính sách biển VN thời gian qua lúc đi trước lúc đi sau thời đại do chưa có một cái nhìn tổng thể, xuyên suốt, chưa có một cơ quan thống nhất tham mưu cho Nhà nước quản lý tổng hợp biển và các hoạt động biển, chưa có những biện pháp thực sự hữu hiệu trong thực thi, giám sát, đấu tranh bảo vệ vùng biển, môi trường và tài nguyên biển đảo như mong đợi.

Vẫn còn phảng phất cách làm nước đến chân mới nhảy trong tư duy quản lý biển, một môi trường đồng nhất, đòi hỏi sự tổng hợp cao. Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển VN đến năm 2020 mới chỉ là chủ trương, đường lối.

VN chưa thực sự có một chính sách biển công, có mục tiêu, ngắn hạn, dài hạn, quy hoạch và các biện pháp giải quyết cụ thể thể hiện qua một văn bản chiến lược của Chính phủ.

{keywords}
Cù Lao Chàm. Ảnh: H.A

Trong thời gian tới, VN cần sớm xây dựng cho mình một chiến lược biển tổng hợp, cụ thể, có quy hoạch đầy đủ các vùng biển cũng như các hoạt động biển, các lực lượng trên biển để có một sự phát triển bền vững, hiệu quả, không chồng chéo, lãng phí.

Việc phát triển chính sách kinh tế - xã hội vùng ven biển, xây dựng cảng cá, nghề cá và hợp tác nghề cá, chính sách di dân ra đảo, kết hợp phát triển kinh tế đảo... có tác dụng thiết thực tạo cơ sở vật chất cần thiết cho việc thực thi Công ước 1982.

Công ước 1982 chỉ là một văn bản pháp lý khung nên cần phải có nhiều quy định cụ thể trong luật quốc gia mới có thể thực hiện tốt. VN đã đi những bước đầu tiên trong quá trình nội luật hóa Công ước 1982 bằng việc xây dựng và thông qua luật Biển 2012.

Các hoạt động giao thông vận tải, dầu khí, thuỷ sản, môi trường, bưu chính viễn thông, quy hoạch phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học biển, hợp tác quốc tế... đều đòi hỏi VN cần sớm xác định phạm vi các vùng biển của mình.

Để làm được điều này, VN cần điều chỉnh quy định đường cơ sở, thúc đẩy đàm phán phân định với các nước, quy định vùng biển của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như tiếp tục cùng Malaysia đấu tranh bảo vệ hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa một cách khoa học, theo yêu cầu của Công ước 1982.

Tình hình Biển Đông đòi hỏi VN, nước có quyền lợi biển lớn trong khu vực phải chủ động và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng khu vực và quốc tế làm sáng tỏ thêm các quy định chưa rõ ràng của Công ước Luật biển 1982 như vấn đề quy chế các đảo, đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm, xây dựng các công trình trên biển, khảo sát chi tiết vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và các thực thể địa lý... đấu tranh xây dựng một trật tự hòa bình, ổn định trên Biển Đông, kiềm chế các hoạt động sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực làm thay đổi nguyên trạng và phức tạp tình hình, tôn trọng DOC và nhanh chóng đạt được Thỏa thuận về COC.

Thiết lập các tuyến hành lang an toàn hàng hải

Một vấn đề quan trọng là tổ chức quản lý nhà nước về biển. Tổ chức Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, lực lượng dân quân tự vệ trên biển phân công phân nhiệm hợp lý; giao thêm quyền tự chủ cho các địa phương... vẫn là những câu hỏi cần tiếp tục đầu tư.

Để bảo đảm an toàn hàng hải, tìm kiếm, cứu nạn, phòng chống ô nhiễm, bên cạnh việc xây dựng đội tàu, lực lượng tìm kiếm, cứu nạn và cơ sở vật chất, VN cần sớm nghiên cứu thiết lập các tuyến hành lang an toàn hàng hải, xây dựng hải đồ điện tử, hệ thống giám sát, áp dụng các biện pháp quản lý quyền qua lại không gây hại của tàu thuyền nước ngoài (nhất là tàu quân sự và các tàu đặc thù), kiện toàn hệ thống quản lý tài nguyên và môi trường biển theo hướng quản lý tổng hợp.

Để quản lý tốt các tài nguyên sinh vật và tạo điều kiện hợp tác quốc tế về nghề cá, VN cần mau chóng đầu tư và tiến hành điều tra khảo sát xác định trữ lượng có thể đánh bắt, khả năng đánh bắt, các loài, các ngư trường, tiếp tục quy hoạch và quản ly tốt các khu vực bảo tồn, các vùng, các mùa cấm đánh bắt, các khu vực nuôi trồng thuỷ sản. Bên cạnh đó, việc quản lý vùng đánh cá chung VN - Trung Quốc đòi hỏi phải có sự đầu tư, phối hợp hoạt động và rút kinh nghiệm cho các hoạt động trong tương lai.

VN cần sớm có một chính sách phát triển và hợp tác nghề cá đồng bộ phù hợp với các quy định của Công ước 1982 trong Vịnh Bắc Bộ và trong Biển Đông. Việc triển khai thực hiện luật Thuỷ sản cần phải có một chính sách dự báo trước và nhanh chóng hoàn thiện các văn bản dưới luật.

Trong lĩnh vực dầu khí, VN cần tiếp tục mở rộng các hoạt động của mình ra vùng biển xa, qua đó khẳng định quyền chủ quyền trên các vùng biển tranh chấp. Một loạt các chính sách ưu tiên thu hút đầu tư mới cần được áp dụng để tranh thủ vốn và sự ủng hộ của các nhà thầu nước ngoài, nhất là trong điều kiện tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông ngày càng gay gắt.

Bên cạnh đó, VN cần chú trọng hơn vấn đề tháo dỡ, dọn sạch các công trình dầu khí hết hạn sử dụng.

Đây sẽ là một vấn đề lớn của dầu khí VN khi một số mỏ đang hoạt động sẽ không còn khả năng khai thác thương mại trong thời gian tới. Vấn đề quản lý, phòng chống ô nhiễm biển từ hệ thống đường ống dẫn, các công trình thiết bị khác trên biển cũng đang nóng dần, đòi hỏi phải sớm có sự quan tâm.

VN cần có những bước đi thích hợp tuyên truyền sâu rộng Công ước 1982 và các quy định biển của VN, có chiến lược tham gia vào các công ước và các hội nghị quốc tế về biển. Trước tiên, VN nên tham gia vào Thoả thuận thay đổi phần XI của Công ước 1982 và Công ước về các đàn cá xuyên biên giới và các đàn cá di cư xa năm 1995, được coi như sự phát triển trực tiếp từ Công ước 1982.

VN cần tiếp tục tham gia các Công ước chuyên ngành hàng hải, thuỷ sản, dầu khí, tìm kiếm, cứu nạn... để bảo đảm tốt nhất các quyền lợi của mình trên biển, thuận tiện cho các hoạt động biển và mở rộng hợp tác quốc tế.

Cần quan tâm đến việc mở rộng quyền lợi mà VN được hưởng từ Công ước 1982 ra biển cả và vùng di sản, có chiến lược tham gia thăm dò khai thác đáy đại dương, tham gia vào các tổ chức quốc tế về biển, nâng cao vị thế VN trên trường quốc tế.

VN cũng cần có những nỗ lực trong hợp tác nghiên cứu khoa học biển, khảo sát xây dựng các hải đồ phục vụ cho công tác phân định, quy hoạch và quản lý biển.

Vấn đề xây dựng lực lượng, nâng cao năng lực xét xử và giải quyết các tranh chấp của các cơ quan tư pháp trong nước trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của các hoạt động trên biển và khả năng chuẩn bị tham gia các vụ kiện quốc tế, các cơ quan tài phán quốc tế như Tòa án Luật biển quốc tế, Tòa án công lý‎ quốc tế cũng là thách thức mới đối với VN.

Tiến ra biển nhanh, mạnh, bền vững và hòa bình là khát vọng, mục tiêu, là quyết tâm của mọi con dân Việt trong thế kỷ XXI.

Nguyễn Hồng Thao