- Sư trụ trì chùa làng Khúc Thủy, Đại đức Thích Minh Thanh trong một thời gian dài đã nhẫn nại đòi đất cho chùa làng.

Đại đức Thích Minh Thanh, trụ trì chùa Khúc Thủy (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) thời gian qua đã có nhiều đơn thư gửi tới các cơ quan chức năng để yêu cầu một số hộ dân mượn đất nhà chùa trước kia trả lại đất cho chùa làng.

{keywords}
Chùa làng Khúc Thủy - ngôi chùa đang có tranh chấp liên quan tới việc đòi đất trước kia thuộc nhà chùa, nay đang được một hộ dân sử dụng sinh sống.

Theo trụ trì chùa Khúc Thủy: làng có hai ngôi chùa, bao gồm chùa Thắng Nghiêm và chùa Linh Quang (còn gọi là chùa Trên và chùa Dưới). Năm 1947, thực dân Pháp đến chiếm chùa lập bốt, vì vậy nhân dân phải đi sơ tán.

Sau hòa bình lập lại, chùa Trên (tức chùa Linh Quang) không có sư trụ trì, được nhân dân cùng các cụ cao tuổi đứng ra quản lý. Sau đó, chính quyền có mượn chùa để làm trường học, làm trụ sở ủy ban cũ…

Trong bản đồ được lập năm 1939, chùa có diện tích là chín mẫu Bắc Bộ, sau khi hòa bình lập lại chùa đã bị thu hẹp để làm nghĩa trang và chia cho nhân dân ở, Chùa đã bị thu hẹp chỉ còn lại khoảng hơn một mẫu Bắc bộ.

Các công trình thờ cúng đều bị thực dân Pháp bắn phá, chỉ còn duy nhất ngôi Tam Bảo và một dãy nhà ngang, nhà thờ Mẫu.

Thời điểm trước năm 1990, ban đại diện các cụ cao tuổi trong làng có cho các hộ gia đình không có đất ở mượn đất chùa để sinh sống tạm, chờ xã cấp đất giãn dân.

Gồm có gia đình cụ Cả Nguyên (bố đẻ của ông Đào Văn Vượng) ở nhờ khu đất nhà khách của chùa; gia đình ông Đặng Văn Thừa ở nhờ khu nhà ngang, gia đình ông Lê Văn Bích ở nhờ khu điện Mẫu, gia đình ông Đào Văn Hoàn ở nhờ tại bốt trước cửa chùa…

{keywords}
Gia đình bà Nông Thị Khì sinh sống trên thửa đất tiếp giáp với chùa Khúc Thủy.

Năm 1984, vợ chồng ông Đào Văn Diệp - bà Nông Thị Khì nghỉ hưu về làng sinh sống, ở cùng với anh trai là ông Đào Thành Anh. Vì chật chội, vợ chồng bà Khì làm đơn xin các cụ cho được ở nhờ trên khu đất nền nhà Tứ Ân của chùa trên với nội dung: khi nào các cụ và tập thể địa phương cần sử dụng thì thông báo cho gia đình trước một tháng để gia đình thu xếp chuyển đi và trả lại đất cho tập thể các cụ địa phương.

Năm 1997, khi về trụ trì hai ngôi chùa thôn Khúc Thủy, thầy Thích Minh Thanh cùng chi hội người cao tuổi, BQL di tích và nhân dân Phật tử đã nhiều lần làm đơn đề nghị giải quyết cho các hộ dân đang sinh sống trong khu đất chùa Trên đến nơi ở mới.

Và lần lượt các hộ dân đã đến nơi ở mới. Riêng gia đình bà Nông Thị Khì vẫn ở trên đất cũ, không di dời.

Đại đức Thích Minh Thanh cho hay: nhà chùa hiện vẫn đang lưu giữ tờ đơn xin mượn đất của vợ chồng bà Khì được lập từ năm 1984, có chữ ký của đại diện chính quyền xã khi đó. Đó là chứng cứ để nhà chùa đòi lại phần đất trước kia cho mượn.

Bà Nông Thị Khì – hộ dân đang bị nhà chùa đòi đất, cho biết: thời điểm vợ chồng bà có đơn xin mượn đất, khu đất xung quanh chùa vẫn còn hoang hóa, rất ít người sinh sống. Sau nhiều năm cải tạo, hơn ba chục năm qua, cả gia đình bà đã sống ổn định, lâu dài trên mảnh đất này.

{keywords}
Lá đơn xin mượn đất của vợ chồng bà Nông Thị Khì được nhà chùa lưu giữ.

 

{keywords}
Và đây là sổ đỏ chừng nhận QSDĐ của gia đình bà Khì được UBND huyện Thanh Trì cấp từ năm 2004.

Bà Khì lý giải: “Chùa chính của làng là ngôi chùa dưới. Chùa Linh Quang (chùa trên, sát với khu đất gia đình bà đang ở) vốn do một gia đình địa chủ cũ trong làng xây dựng, sau đó hiến cho làng.

Thời kỳ sau chiến tranh, ngôi chùa không có sư ở, đã được xã trưng dụng làm ủy ban, sau đó làm nhà trẻ, trường học cho con em trong làng… Khoảng hai năm trước, nhà chùa và nhân dân địa phương mới bắt tay cải tạo, trùng tu khang trang như hiện nay.

Vẫn lời bà Khì: “Có một dạo, xã có chủ trương cấp đất ở giãn dân cho 200 hộ dân. Gia đình chúng tôi cũng được cấp nhưng đã có đơn xin ở lại và được xã chấp thuận. Đến nay, chúng tôi đã được UBND huyện Thanh Trì cấp GCN QSDĐ lâu dài, không tranh chấp, như thế không phải chúng tôi chiếm đất của nhà chùa”.

Trao đổi với VietNamNet, chủ tịch xã Cự Đà Vũ Thanh Ngọc thừa nhận: việc tranh chấp thửa đất giữa nhà chùa và gia đình bà Nông Thị Khì là có thật.

“Chính quyền xã đã tổ chức hòa giải để hợp lý, hợp tình với các bên. Về pháp luật, gia đình bà Khì đã được cấp GCNQSDĐ thể hiện thửa đất đã được sử dụng ổn định, lâu dài. Nhà chùa, các cụ cao niên trong làng… cũng có cơ sở để khẳng định việc nhà chùa cho người dân mượn đất là có thật, tuy nhiên, việc đó xảy ra từ trước thời điểm có Luật Đất đai.

Chúng tôi cũng rất bối rối khi giải quyết vụ việc này, bởi “đất vua, chùa làng”, nhà chùa muốn lấy lại đất trước kia thuộc đất nhà chùa nhằm tôn tạo, xây dựng chùa làng khang trang chứ không phải mục đích cá nhân cho ai. Với người dân, thời điểm xã có chủ trương cấp đất giãn dân, hộ bà Khì có đơn xin được ở lại và đã được chấp thuận. Điều đó cũng có thể được hiểu, gia đình bà Khì được địa phương đồng ý cấp cho thửa đất hiện tại gia đình bà đang ở” – chủ tịch xã Cự Khê cho biết.

Lời ông Ngọc, phương hướng mà xã đề xuất giải quyết giữa nhà chùa và hộ dân, đó là vận động thuyết phục gia đình bà Nông Thị Khì trả lại phần diện tích lấn chiếm (không nằm trong sổ đỏ) cho nhà chùa để nhà chùa quản lý, và vẫn tiếp tục sử dụng phần diện tích đã được cấp sổ đỏ (265m2).

“Nếu gia đình bà Khì và nhà chùa không chấp thuận, thẩm quyền xử lý vụ việc, chúng tôi sẽ báo cáo và xin ý kiến cơ quan cấp trên” – chủ tịch xã Vũ Thanh Ngọc nói.

Kiên Trung