Thay vì loại bỏ mối đe dọa vũ khí hóa học, một cuộc tấn công của phương Tây vào quốc gia Ảrập chỉ làm tăng nguy cơ chiến tranh leo thang và phản ứng dữ dội.


{keywords}
Vũ khí hóa học còn cách xa mối đe dọa lớn nhất mà người Syria phải đối mặt. Đó là bản thân cuộc chiến tranh, chết chóc và hủy diệt khắp nơi. Ảnh: Getty Images 

Mọi dấu hiệu hiện tại cho thấy, phương Tây sẽ làm điều đó một lần nữa. Cuộc tấn công vào Syria lần này được Mỹ cùng đồng minh lên kế hoạch sẽ là việc can thiệp quân sự trực thiếp lần thứ 9 vào một nước Ảrập hoặc Hồi giáo trong vòng 15 năm qua. Những cuộc oanh tạc diễn ra ở khắp Sudan, Afghanistan, Iraq, Libya, Mali cùng nhiều vụ tấn công gây chết người của máy bay không người lái trên đất Yemen, Somalia và Pakistan.

Hai cường quốc thực dân cũ là Anh và Pháp từng "chia sẻ" Trung Đông, nay lại có thêm Mỹ để trở thành một "liên minh ý chí". Cũng như tại Iraq và Sudan (nơi Tổng thống Mỹ Clinton ra lệnh tấn công vào một nhà máy dược phẩm để trả đũa vụ đánh bom của al-Qaida), những thông tin về vũ khí hủy diệt hàng loạt một lần nữa lại là vấn đề trung tâm để phương Tây có lý do tấn công.

Ở cả Iraq và Sudan, thông tin tình báo dĩ nhiên là sai lầm. Tuy nhiên, một lần nữa, các thanh sát viên vũ khí LHQ lại đang vật lộn để điều tra với các tuyên bố về vũ khí hủy diệt trong khi Mỹ và đồng minh sẵn sàng tuyên bố điều đó là "không thể phủ nhận". Một lần nữa, họ lại lên kế hoạch bỏ qua Hội đồng Bảo an. Một lần nữa, họ lại dùng hành động quân sự với tuyên bố nhân văn cho dù không được sự ủng hộ của chính người dân nước mình.

Lý do dẫn tới sự can thiệp mới - có vẻ như là cuộc tấn công vũ khí hóa học ở Ghouta, ngoại ô Damascus - chắc chắn có điểm nổi bật là tội ác khủng khiếp. Hàng trăm người, phần lớn là dân thường được thông tin là đã thiệt mạng, rất nhiều người bị thương.

Nhưng cho tới nay, chưa có bằng chứng nào đáng tin cậy về việc vũ khí hóa học được sản xuất hay sử dụng thế nào. Những cường quốc phương Tây và đồng minh, gồm cả phiến quân Syria thì đổ lỗi cho quân đội chính phủ Syria. Trong khi đó, Damascus và các nước ủng hộ khác lại quy trách nhiệm cho phiến quân.

Một chế độ (có kho dự trữ lớn vũ khí hóa học) rõ ràng là có khả năng thực hiện tấn công và không thương tiếc. Nhưng ở đây lại rất khó tìm ra động cơ làm điều đó. Lực lượng của họ đã giành được ưu thế trong vài tháng gần đây. Còn Mỹ nhiều lần cảnh báo rằng, sử dụng vũ khí hóa học sẽ là "vạch đỏ" leo thang chiến sự. Cùng một lý do ấy, phiến quân (và phía hỗ trợ) đang cố gắng tìm ra động cơ để can thiệp quân sự để đảo ngược cán cân quyền lực. Họ chắc chắn có lợi ích khi "vạch đỏ" bị vượt qua.

Ba tháng trước, thành viên ủy ban nhân quyền LHQ tại Syria Carla Del Ponte nói "có nghi ngờ cụ thể và mạnh mẽ" rằng, phiến quân dùng khí sarin gây hại thần kinh. Sau đó có thông tin lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã thu giữ được sarin từ mạng lưới al-Nusra Front liên quan tới al-Qaida đang chuẩn bị được đưa vào Syria.

Chuyên gia vũ khí Paul Schulte thuộc trường King's College London tin rằng, trách nhiệm của phiến quân là "khó bác bỏ" kể cả xảy ra khả năng chính quyền hay một chỉ huy quân sự nào đó đã sử dụng vũ khí hủy diệt. Như thế, trong tuần này, dù bằng chứng được đưa ra kiểu gì thì không chắc đã có độ tin cậy. Nhưng điều đó không thể lui bước được cường quốc phương Tây khỏi cơ hội gia tăng vị trí cho cuộc đấu tranh quyền lực khốc liệt của Syria.

Hành động tàn bạo ở Syria - dùng vũ khí hóa học - khiến 322 người thiệt mạng (theo các nguồn tin liên quan tới phe đối lập) bị Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mô tả là "phi đạo đức". Trong khi đó, trước làn sóng bạo lực đẫm máu ở Ai Cập - phần lớn nạn nhân thiệt mạng là dân thường ước tính khoảng 1.295 người trong 2 ngày, thì Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Mỹ "không đứng về bên nào".

Trong thực tế, việc can thiệp quân sự của phương Tây đã gia tăng ngay từ những ngày đầu xảy ra phong trào nổi dậy nhằm lật đổ chế độ nhưng lại nhanh chóng biến thành cuộc chiến tranh phe phái và khu vực. Ước tính hơn 100.000 người thiệt mạng, đất nước Syria bị tàn phá và hàng triệu người phải vào trại tị nạn.

Giờ đây, sự hỗ trợ bí mật đã trở thành hành động ủng hộ quân sự công khai. Phương Tây đã sẵn sàng để bắn phá Syria. Ngay cả khi chế độ hiện tại phải chịu trách nhiệm về thảm sát ở Ghouta, vũ khí hóa học có thể hiện diện. Các thanh sát viên vũ khí quốc tế cần có sự hỗ trợ của một hội đồng bảo an thống nhất, hơn là thứ "chuẩn mực đạo đức" của các chính phủ đã từng đổ uranium, phốt pho trắng và chất da cam xung quanh khu vực hay xa hơn thế.

Trong mọi trường hợp, vũ khí hóa học còn cách xa mối đe dọa lớn nhất với người Syria. Đó là bản thân cuộc chiến tranh, chết chóc và hủy diệt khắp nơi. Nếu Mỹ, Anh hay Pháp thực sự quan tâm tới việc chấm dứt cuộc chiến thay vì tận dụng nó, họ cần thúc đẩy một lệnh ngừng bắn và đi tới thỏa thuận chính trị. Leo thang chiến tranh để giữ thể diện và giữ thị phần trong khu vực là cuộc chơi nguy hiểm.

Kể cả khi phạm vi tấn công hạn chế, chắc chắn số người thiệt mạng sẽ gia tăng. Kéo theo nguy cơ trả đũa từ Syria và đồng minh - kể cả việc tấn công Israel - và khiến Mỹ lấn sâu thêm vào xung đột. Phương Tây có thể sử dụng cuộc khủng hoảng này để chấm dứt nỗi thống khổ của người dân Syria hoặc đổ thêm dầu vào lửa.

Thái An (theo Guardian)