- Ngày 17/9, tại TP.Cần Thơ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng - An ninh (QP-AN) cho phóng viên, biên tập viên (PV-BTV).

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Thành Hưng - Ảnh: Quốc Huy

Hội nghị lần này, các báo cáo viên tập trung đề cập, truyền tải thông tin về 5 chuyên đề chính bao gồm: Chiến lược một số nước liên quan đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam; Quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trong thời kỳ mới; Quan điểm và chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo vệ an ninh, chính trị, văn hóa, tư tưởng trong tình hình mới; Biên giới quốc gia và tổ chức quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; Xu hướng phát triển của báo chí hiện nay và nhiệm vụ đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, việc rèn luyện, bồi dưỡng kiến thức giáo dục quốc phòng và an ninh phải được thực hiện thường xuyên. Tính chất của việc làm này hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong tình hình mới.

“Đáng lưu ý là tác động của internet, mạng xã hội trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, hội nghị tập huấn năm nay coi chủ đề này là một trong những nội dung chính về kiến thức quốc phòng, an ninh cho đội ngũ lãnh đạo, phóng viên và biên tập viên” - Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nói.

{keywords}
Quang cảnh hội nghị.

Qua đây, các PV-BTV được nhận thức những khái niệm về thuật ngữ, mục tiêu và quan điểm như: an ninh quốc gia; bảo vệ an ninh quốc gia; bảo vệ an ninh chính trị và bảo vệ an ninh văn hóa - tư tưởng.

Thượng tá, TS Trần Chí Công - Phó trưởng bộ môn quản lý Nhà nước về ANQP (Học viện An ninh nhân dân) cho biết, mục tiêu bảo vệ an ninh chính trị là bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý Nhà nước, bảo vệ chế độ. Giữ vững ổn định chính trị xã hội, kiên định con đường CNXH và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch phá hoại nội bộ, chi rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Tại Hội nghị, Đại tá, PGS-TS Lê Thái Ngữ (Học viện Quốc phòng) nhận định, tình hình biển đảo trong những năm gần đây trên toàn thế giới diễn biến phức tạp, nhiều nước đang cố gắng vươn ra biển và sử dụng biển để phát triển đất nước.

Cạnh đó, nhiều nước sử dụng biển để đạt mục tiêu quân sự, chính trị. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của biển đối với nhân loại và đất nước mình.

Đại tá Lê Thái Ngữ thông tin: “Việt Nam là quốc gia có biển, Nghị quyết Trung ương 4, Khóa X về “Chiến lược Việt Nam đến năm 2020” chỉ rõ: Trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, biển có vai trò, vị trí quan trọng, gắn bó mật thiết và ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường đất nước”.

Theo kế hoạch, Hội nghị sẽ diễn ra đến hết ngày 19/9.

Quốc Huy