- Những ngày gần Tết, người dân xóm Trường (thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, Đồng Xuân, Phú Yên)- nơi trận lũ lịch sử cuối năm 2009 cuốn trôi làm 18 người chết lại tảo mộ cho những người đã khuất theo phong tục.

Những ngày này, chúng tôi có mặt tại khu dân cư mới xóm Trường. Trận lũ lịch sử cuối năm 2009 đã san bằng ngôi làng.

Lũ qua, 44 ngôi nhà do Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ tài trợ xây cất có chung mẫu thiết kế. Nhiều người từ xa đến nhìn dãy nhà đều tăm tắp, khang trang dưới chân núi nên gọi là “làng Thụy Sĩ”.

Theo phong tục tập quán ở đây, những ngày cận tết là ngày tảo mộ cho những người đã khuất.

Trong làn khói hương, xóm nhỏ vẫn còn đâu đó tang thương với những cái tên: Phố “cô đơn”, Bình “mồ côi vợ”.

Vương vấn…khói hương

Cháu Nguyễn Thành Đô, một “nhân vật” hiếm thấy lúc đó bị lũ cuốn trôi xa 5 cây số trong đêm tối thoát chết nhờ bám vào…đống rơm, hiện đang học lớp 8, Trường THCS Hoàng Văn Thụ.

Ngồi xem ti vi, cháu Đô thủ thỉ: “Hôm rồi ba chở cháu về tảo mộ mẹ nằm bên kia sông Kỳ Lộ. Ngoài thời gian học về nhà cháu phụ ba làm các công việc trong gia đình”.

{keywords}
Cháu Nguyễn Thành Đô, một “nhân vật” hiếm thấy lúc đó bị lũ cuốn trôi xa 5 cây số trong đêm tối thoát chết nhờ đu…đống rơm, hiện đang học lớp 8, Trường THCS Hoàng Văn Thụ

Anh Nguyễn Phố (46 tuổi), cha ruột cháu Đô đến nay vẫn ở vậy làm lụng nuôi con (vợ anh bị nước lũ năm 2009 cuốn trôi).

Người trong xóm nhiều lần khuyên anh đi tiếp bước nữa, nhưng anh chỉ cười nên mọi người gọi anh là Phố “cô đơn”.

Trong xóm có một người có hoàn cảnh tương tự như anh Phố đó là anh Trương Văn Bình (48 tuổi), một người có 3 người thân là mẹ, vợ và con chết trong trận lũ.

{keywords}

Ông Mạnh Nhơn, một cư dân ở Xóm Trường, cúng ngày tảo mộ mẹ già mất trong trận lũ

Năm ngoái, đứa con gái của anh lấy chồng về xã Xuân Sơn Nam (cách đây 20 cây số) và vừa mới sinh con.

Sau nhiều năm sau trận lũ kinh hoàng, ngày nào anh cũng đi làm đồng về rồi lui cui nấu ăn. Bà con hàng xóm khuyên tìm một người về lo chuyện bếp núc, nhưng anh lắc đầu.

Bây giờ người ở xa đến hỏi thăm nhà Bình “mồ côi vợ” cả xóm ai cũng biết.

Nhắc lại chuyện cũ, anh thều thào: Tối đó, mẹ, vợ và con gái tui bị nước cuốn trôi. Sáng hôm sau tìm thấy xác vợ tui nằm mắc dưới bụi tre. Con gái tôi và mẹ tôi bốn ngày sau mới tìm thấy xác. Sau lũ nhà tôi sập nát, khi tìm được thi thể vợ, mẹ và con thì nhà không có chỗ để hương khói. Bà con lối xóm, người thân tìm mảnh đất trong gò dựng lại cho tôi nhà “nọc ngựa” (cột chôn) để tôi hương khói 3 người. Bây giờ có nhà do Thụy Sĩ tài trợ ấm cúng.

“Hôm qua đến ngày tảo mộ, tôi nấu nướng mâm cơm trước cúng ông bà, sau cúng mẹ, vợ, con”.

Tại nhà anh Phạm Ngọc Tân (38 tuổi), một gia đình có 4 người (cha mẹ và 2 con) chết trong đợt lũ lịch sử, được trang trí chậu hoa, cây cảnh.

{keywords}
Anh Phạm Ngọc Tân (38 tuổi), một gia đình có 4 người chết (cha mẹ và 2 con), sau trận lũ lịch sử gia đình anh Tân chỉ còn “vợ chồng son”, vắng bóng 2 đứa con thơ bị lũ cuốn, mới đây vợ anh đã sinh đứa con


Anh Tân cho biết: “Từ khi về ở khu dân cư mới Xóm Trường đến nay, tết bà con ở xa về đông vui, sum vầy”.

Cũng sau trận lũ lịch sử, gia đình anh Tân chỉ còn “vợ chồng son”, vắng bóng 2 đứa con thơ bị lũ cuốn. Mới đây, vợ anh đã sinh đứa con vừa lẫm chẫm biết đi.

Đến ngày tảo mộ cho 4 người thân dù đã trải qua 5 năm, nhưng nhìn làn khói hương, anh vẫn chưa nguôi ngoai.

Tết san sẻ yêu thương

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Long (84 tuổi). Có rất đông người từ xa đến tảo mộ ông bà ngày cuối năm.

“Năm đó nhà tôi trong “diện” ngập lụt đổ sập, nhờ Nhà nước quy hoạch cấp lô đất ở khu dân cư mới này. Từ ngày có nhà mới năm nào cũng đón tết ấm cúng, vui vẻ”- ông Long nói.

Nhớ lại tết năm 2009, tuổi già như ông Long không làm gì ra tiền, các vật dụng trong nhà từ cái nhỏ nhất như cân nếp, gói trà, bột ngọt đến cái lớn như ti vi, bàn ghế đều nhờ tấm lòng đồng bào cả nước gởi tặng.

Chiếc ti vi, đồng hồ các nhà hảo tâm tặng vẫn còn từ đó đến giờ.

Ông Vương Tiến Dũng, cán bộ hưu trí ở thôn Triêm Đức cho hay: “Tết, năm nào tôi đi đến từng ngôi nhà đốt hương trên bàn thờ, động viên tinh thần từng gia đình có người mất trong lũ. Xóm làng với nhau sống phải chia sẻ”.

{keywords}
Người dân xóm Trường chở hoa, cây cảnh trang trí đón Tết

Sau cơn “đại hồng thủy”, cuộc sống người dân xóm Trường đang nảy lộc nhờ tấm lòng san sẻ của đồng bào cả nước.

Ông Trần Đức Lộc, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Quang 2 cho hay: “Mấy năm qua nhân dân ở khu dân cư mới xóm Trường được đón cái tết ấm cúng. Sau đợt lũ lịch sử từ cân nếp, gói bánh tét đến các vật dụng khác lớn hơn cũng được các ngành, các nhà hảo tâm khắp cả nước gửi tặng. Từ đó đến nay bà con làm ăn vươn lên trong cuộc sống, kinh tế gia đình phát triển”.

Mạnh Hoài Nam