- Chiều 5/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung điều 170 của luật Doanh nghiệp.


{keywords}
ĐB Ngô Văn Minh. Ảnh: Minh Thăng

Theo tờ trình của Chính phủ, đến thời hạn cuối cùng tháng 7/2011, cả nước còn hơn 2.900 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa đăng ký lại để hoạt động, với tổng số vốn đăng ký 18,5 tỷ USD, sử dụng 446.000 lao động.

Vì thế Chính phủ đề nghị sửa đổi lại khoản 2, điều 170 luật Doanh nghiệp theo hướng: Bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn không đăng ký lại hoặc đăng ký lại tại thời điểm thích hợp.

Tại buổi thảo luận, đa số đại biểu tỏ ý đồng tình với nội dung sửa đổi này nhằm đảm bảo quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc quyết định phương thức tổ chức quản lý và hoạt động kinh doanh, giúp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định, có lực lượng lao động gắn bó lâu dài, đóng góp cho xã hội và ngân sách nhà nước.

Có ý kiến còn cho rằng, việc sửa đổi này cũng nhằm tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa đăng ký lại, thực hiện dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, một số ĐB lo ngại trước tình trạng làm luật theo kiểu “manh mún”, liên tục sửa đổi về lâu dài sẽ tạo tiền lệ để hợp pháp hóa việc làm sai trái của các doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nhờn luật, đặc biệt là tính tôn nghiêm pháp luật.

ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cho rằng, nội dung này đã được sửa đổi, gia hạn một lần năm 2009, nay tiếp tục sửa đổi sẽ không thể hiện được tính tôn nghiêm của pháp luật.

“Sửa đổi khoản 2 điều 170 luật Doanh nghiệp, nếu cho phép bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để cho phép họ được lựa chọn không đăng ký lại hoặc đăng ký lại tại thời điểm thích hợp đối với doanh nghiệp, trong chừng mực nào đó sẽ tạo tiền đề xấu về ý thức tôn trọng pháp luật, gây mất bình đẳng giữa các doanh nghiệp”, ông nói.

Ông đề nghị Chính phủ cần tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng doanh nghiệp không chấp hành pháp luật, chây ỳ không đăng ký hoạt động lại, nhằm tạo sự công bằng trong hoạt động giữa các doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

“Tôi đề nghị cần xem xét rất thận trọng, tránh tâm lý cực đoan, từ chỗ quy định rất chặt chẽ về thời hạn đăng ký lại sang quá thoáng, bỏ mọi giới hạn có thể tạo ra kẽ hở của pháp luật”, ông nói.

Với tinh thần đó, ông đề nghị tại điểm a khoản 2 bổ sung quy định việc đăng ký lại phải thực hiện trước khi kết thúc thời hạn hoạt động của doanh nghiệp theo giấy phép đầu tư. Việc bổ sung này nhằm khắc phục tình trạng doanh nghiệp hoạt động chui sau khi hết thời hạn hoạt động sau đó mới xin đăng ký lại, vừa là sự coi thường pháp luật vừa làm phát sinh rủi ro pháp lý.

Còn ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thì đề nghị bổ sung quy định về điều kiện đăng ký tiếp tục hoạt động và có nhu cầu thì đăng ký lại trong thời hạn gần nhất.

Đồng thời, bổ sung quy định nếu không đăng ký lại thì phải thực hiện thủ tục giải thể. “Qua vấn đề này cho chúng ta thấy sự bất cập trong việc ban hành chính sách pháp luật và hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quyền hạn và trách nhiệm không được thực thi một cách đầy đủ và nghiêm túc, không thể hiện rõ trách nhiệm thuộc về ai trong từng vấn đề một”, ông nói.

Ở một góc nhìn khác, ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) đặt vấn đề ô nhiễm môi trường trong trường hợp nếu quy định “thoáng” trong việc bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ông Khiết cho rằng, cần rà soát chặt chẽ, những công ty, nhà máy nào không phù hợp với điều kiện hiện nay như máy móc cũ kỹ lạc hậu, có nhiều tác động ảnh hưởng môi trường thì không thể có chuyện đương nhiên gia hạn để tránh tình trạng “Việt Nam chúng ta có thể trở thành một bãi rác của thế giới”.

Ông cũng lấy ví dụ từ Công ty Vedan, trong nhiều năm đã làm nguy hại đến sông Thị Vải, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân để minh chứng.

Trước những đề nghị này, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh hứa sẽ tiếp thu ý kiến và xem xét kỹ lưỡng.

Tá Lâm