- Đối thoại với thanh niên sáng nay (14/12), Thủ tướng cho hay đất nước đang “thiếu cả thầy lẫn thợ”. Ông mong thanh niên chủ động chọn con đường lập thân, cống hiến cho đất nước, không chờ Nhà nước tạo điều kiện.

Chủ động chọn con đường lập thân

Với cơ hội đối thoại với người đứng đầu Chính phủ và nhiều bộ trưởng, trưởng ngành, các đại diện thanh niên tại ĐH Đoàn TNCS HCM lần thứ X đặt nhiều câu hỏi về cơ hội học tập, việc làm, cống hiến cho đất nước…

Đông đảo thanh niên quan tâm đến tình trạng đào tạo ĐH tràn lan, chưa gắn kết với nhu cầu xã hội, dẫn đến “thừa thầy thiếu thợ”, sinh viên ra trường khó tìm việc, tạo tiêu cực trong tuyển dụng viên chức…

Thủ tướng: Tạo mọi điều kiện để không sinh viên nào phải bỏ học vì điều kiện kinh tế. Ảnh: website Trung ương Đoàn

Theo Thủ tướng, với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đất nước ta đang “thiếu cả thầy lẫn thợ”.

Ông nhấn mạnh Việt Nam đang ở giai đoạn “dân số vàng” với 60 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 66% dân số, nhưng chỉ có 46% đã được qua đào tạo: “Trong đó, chỉ 8% có trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học, số sinh viên trên 1 vạn dân đến cuối 2011 mới đạt 250, kém xa các nước trong khu vực và thế giới, cơ cấu đào tạo cũng còn nhiều bất cập”.

Cho biết Chính phủ sẽ triển khai nhiều chiến lược về đào tạo, dạy nghề và phát triển nguồn nhân lực, Thủ tướng đặt ra một số vấn đề với bản thân các bạn trẻ.

“Con đường lập thân, lập nghiệp, khẳng định mình trong cuộc sống và tiến lên là rất rộng mở”, Thủ tướng nhấn mạnh.

“Chính phủ hoan nghênh, đánh giá cao các bạn trẻ đã thi đỗ và theo học CĐ, ĐH, 2,2 triệu sinh viên hiện nay là lực lượng cần thiết cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa”, Thủ tướng khẳng định Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện để không sinh viên nào phải bỏ học vì điều kiện kinh tế, cũng như đảm bảo nguồn cho các chương trình cho sinh viên vay vốn, xây dựng ký túc xá…

Mặt khác, đất nước cũng đang thiếu và cần những công nhân kỹ thuật lành nghề, Thủ tướng khuyên những bạn trẻ chưa đỗ CĐ, ĐH rằng các trường trung cấp, dạy nghề cũng là con đường tốt.

“Nhiều cán bộ quản lý, doanh nhân giỏi, thành đạt, nhiều nhà văn hóa, khoa học trưởng thành, nhiều tướng lĩnh tài ba… từ con đường này”, Thủ tướng nói. “Vấn đề là phải thực chất, học thật, tài năng thật, năng lực thật”.

Cần nhân lực chất lượng cao

Đối với các trí thức trẻ học tập, tu nghiệp ở nước ngoài, Thủ tướng kêu gọi họ về nước làm việc vì đất nước đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao. “100 nghìn lưu học sinh trong số 4 triệu kiều bào ở các nước, rất được Nhà nước quan tâm và có nhiều chính sách khuyến khích họ về tham gia xây dựng, phát triển đất nước”, Thủ tướng nói.

Trước tâm tư của họ về điều kiện, môi trường làm việc trong nước, Thủ tướng mong kiều bào và lưu học sinh hiểu, chia sẻ với đất nước trong hoàn cảnh còn khó khăn hiện nay.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì cam kết về một chiến lược đào tạo nhân lực, trong đó vừa nâng cao năng lực dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, vừa nâng cao chất lượng người sử dụng nhân lực.

Phó Thủ tướng chỉ ra cơ hội cho những người trẻ học hành bài bản, cao cấp ở nước ngoài: sẽ có thêm nhiều trường ĐH tiêu chuẩn quốc tế, nhiều cơ sở nghiên cứu, nhiều đề tài do nhà nước và doanh nghiệp đặt hàng…

“Không bắt buộc về nước hay ở nước ngoài, mỗi người sẽ tìm ra công thức riêng để cống hiến”, Phó Thủ tướng nhận định.

Chia sẻ trăn trở của các nhà khoa học trẻ về lương, thu nhập và nguy cơ “chảy máu” nhân lực khoa học ra khu vực tư và liên doanh, Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định sẽ có nhiều chính sách ưu đãi để cán bộ khoa học trẻ sống được bằng nghề.

“Sẽ đổi mới cơ chế tài chính và phương thức đầu tư cho KHCN để thu hút và sử dụng hiệu quả nhiều nguồn lực”, ông Nguyễn Quân nói. “Cũng sẽ giao quyền sở hữu tài sản đối với sản phẩm trí tuệ thực hiện từ ngân sách cho các nhà khoa học để họ chuyển giao cho các doanh nghiệp”.

Đối với các doanh nghiệp trẻ đang gặp khó khăn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình kêu gọi thanh niên tiên phong chuyển đổi tư duy quản trị doanh nghiệp, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, vừa góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang chiều sâu “ngay tại địa bàn, lĩnh vực của mình”.

Trong thông điệp gửi đến thanh niên cả nước và các tổ chức đoàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Thanh niên phải có hoài bão lớn, kiến thức và kỹ năng tốt, ý chí và bản lĩnh, lòng yêu nước và tự hào dân tộc cao độ, trách nhiệm với bản thân, gia đình và đất nước, dù ở lĩnh vực nào, nhiệm vụ nào, công việc gì, phấn đấu làm tốt nhất với sáng kiến và nỗ lực cao nhất, trở thành những cán bộ quản lý, công chức, nhà khoa học, nhà văn hóa, doanh nhân, chiến sĩ… trẻ và giỏi”.

Chung Hoàng