- Tuổi mới lớn đầy “ẩm ương”, khi vào trại tạm giam sau những tội lỗi đã gây ra, những can phạm tuổi teen đã khiến các cán bộ quản giáo phải đau đầu để giáo dục.


Khi “sói” bị cầm tù

Nhắc đến phòng giam của những can phạm tuổi teen, trung tá Nguyễn Thị Liên, quản giáo trại tạm giam số 1 Hà Nội kể về My “sói” với nhiều cung bậc cảm xúc. Giờ My “sói” đã thành án, đã chuyển trại, nhưng những tháng ngày giáo dục một “con sói hoang” đã để lại trong chị Liên nhiều ấn tượng.

Khi bị tạm giam chờ ngày đưa ra xét xử, My “Sói” quậy tưng bừng trong trại tạm giam với đủ cách như nửa đêm trở dậy pha xà phòng uống; giữa mùa đông buốt giá nhảy xuống bể nước tự tử... Phải nhọc công, nhưng cuối cùng chị Liên cũng đã cảm hóa được “con sói hoang” bằng tình cảm chân thành.

Trung tá Nguyễn Thị Liên, quản giáo tại trại tạm giam số 1 Hà Nội

Chị Liên nhớ lại ngày My “sói” còn ở trại tạm giam. Chị bảo, nó là đứa ngổ ngáo, bất trị ngay cả khi vào trại tạm giam và chỉ làm những điều theo ý thích của mình.

Theo lời chị Liên: “Nó vốn bị bỏ bê, sống như ngọn cỏ giữa cánh đồng hoang, lay lắt không có chỗ bấu víu nên một sớm một chiều uốn nắn là rất khó khăn”. Bởi vậy chị Liên đã kiên trì hỏi han, tiếp cận My “sói” để tạo lòng tin, tạo mối thiện cảm từ can phạm tuổi teen này.

Ương bướng là vậy, nhưng My “Sói” khóc nhiều khi kể về bố mẹ ly hôn, phải sống với bà ngoại già yếu, rồi lao vào cuộc sống giang hồ lúc nào không hay. Nó có những hành động tiêu cực, nhiều lần muốn tự tử trong trại giam chỉ vì nghĩ rằng bố mẹ không còn quan tâm đến nó nữa. Cảm giác bị bỏ rơi khiến My “sói” không muốn sống tiếp.

Khi đã “chạm” được vào góc khuất tâm hồn “con sói hoang”, trong thời gian ngắn cảm hóa, chia sẻ, động viên, chị Liên đã “thuần phục” được “sói”.

My “sói” dần trở nên lành tính hơn, và bắt đầu gọi nữ quản giáo Liên là “mẹ”. Nó mừng mỗi khi được nhìn thấy chị Liên. “Mỗi lần ca trực của tôi, nó bảo tôi là mùa xuân của nó, rồi ôm chầm lấy tôi”, chị Liên kể.

Nhưng với My “sói” chị Liên cũng hết sức nghiêm khắc, đặc biệt là những lần nó “làm liều”. Chị Liên chia sẻ: “Lúc đó, vừa phải nghiêm khắc, vừa chỉ ra những cái sai trái để nó sửa chữa và không được xử sự dại dột như vậy”.

Chị Liên còn nhớ, trước thời điểm bị đưa ra xét xử chừng 2 tháng, My “sói” đổ bệnh. Thuốc men của trại có hạn, nhiều lúc phải mua bên ngoài để chữa trị.

My gày rộc vì bệnh tật, nhưng được sự chăm sóc tận tình, cộng với sức trẻ, My đã chiến thắng bệnh tật, khỏe mạnh khi ra hầu tòa.

Nhận án 12 năm tù giam cho hành vi phạm tội của mình, My bị phân đi trại giam. Trước khi dời trại tạm giam, My kết một trái tim bằng những ống hút nhựa tặng chị Liên để thể hiện tình cảm với “mùa xuân” của mình.

Trước khi My chuyển trại, chị Liên dặn nó: “Con cố cải tạo, để sớm làm lại cuộc đời!”.

“Má mì” tuổi teen

My “Sói” không phải trường hợp duy nhất mà chị Liên đã dùng tình cảm để cảm hóa. Nhiều lắm những phạm nhân sau khi nhận án, lúc chuyển trại đi đã dành cho chị những tình cảm ấm áp.

Chị Liên còn nhớ can phạm Phạm Ngọc Anh (quê ở Hải Phòng, phạm tội mua bán người). Giống như My "sói", Ngọc Anh cũng 16 tuổi, sớm bỏ học và dạt về Hà Nội, lấy quán net, nhà nghỉ làm nhà.

Khi bị bắt, đưa vào trại tạm giam số 1, nó lầm lì, gan góc, bất trị. Bố mẹ Ngọc Anh ở Hải Phòng không có điều kiện thăm nuôi trong thời gian bị tạm giam nên đến bộ quần áo Ngọc Anh cũng không có để mặc.

Có lẽ không đươc gia đình quan tâm càng khiến Ngọc Anh thêm bất cần và ương bướng. Hiểu được Ngọc Anh, chị Liên đã phải xin từng chiếc quần lót, áo rét đưa cho Ngọc Anh dùng.

Chị hiểu được rằng: “Ngọc Anh là đứa mạnh mẽ nhưng sâu thẳm vẫn yếu đuổi. Nó hai lần cắt ven tự tử bất thành”.

Khi có người quan tâm, vỗ về, cảm nhận được ấm áp tình người, giống như My “sói”, Ngọc Anh không còn những suy nghĩ tiêu cực mà vui vẻ chờ ngày được đưa ra xét xử.

Tuổi mới lớn đầy “ẩm ương”, khi vào trại tạm giam sau những tội lỗi đã gây ra, những can phạm tuổi teen đã khiến các cán bộ quản giáo phải đau đầu để giáo dục. Nhưng bằng những lời thủ thỉ, tâm sự, kèm theo sự cứng rắn cần thiết, chị Liên đã khiến chúng hiểu được hành vi sai trái của mình, để sau này cải tạo tốt.

Là một cán bộ quản giáo, một người vợ, người mẹ, chị lấy cái nghiêm khắc của cán bộ, lấy tình cảm của người mẹ để cảm hóa những đứa trẻ ngỗ ngược.

Nhiều cháu trả án xong, viết thư hỏi thăm gọi mẹ Liên, tôi vui và hạnh phúc lắm”, lời chị Liên.

Giọng nói nhẹ nhàng dễ nghe và gương mặt hiền lành, phúc hậu là thứ “vũ khí” để chị Liên gây thiện cảm ban đầu với những can phạm đáng tuổi con mình ở nhà. Trong mắt chị, không phải ai vào chốn lao tù đều xấu. Có những đứa trẻ do hoàn cảnh xô đẩy, do thiếu sự quan tâm, chăm sóc và giáo dục của gia đình nên mới lâm đường tội lỗi.

T.Nhung