- Thời gian gần đây, Sở Y tế Đắk Lắk được nhắc đến với "lùm xùm" về những sai phạm, tiêu cực. Để rộng đường dư luận, VietNamNet trao đổi với ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế về những vấn đề liên quan.

Xin ông cho biết, có hay không tình trạng hàng trăm bệnh nhân suy thận mãn của tỉnh phải lang thang tới nhiều tỉnh khác để xin ké máy chạy thận nhân tạo, chứ không được áp dụng kỹ thuật thẩm phân phúc mạc mà BV Chợ Rẫy đã chuyển giao cho BV Đa khoa tỉnh?

Để tăng khả năng điều trị cho các bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối, BV Đa khoa tỉnh đã đề nghị BV Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật thẩm phân phúc mạc để thực hiện tại BV.

Tháng 4/2015, hai BV đã ký kết hợp đồng chuyển giao kỹ thuật và bảo hành kỹ thuật trong năm 2016. Chỉ tiêu đánh giá hoàn thành việc chuyển giao gồm 20 trường hợp thực hiện tại BV Chợ Rẫy và 5 trường hợp thực hiện tại BV Đa khoa tỉnh.

{keywords}
Ông Doãn Hữu Long - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk

Từ tháng 9-11/2015, đoàn bác sỹ của BV Chợ Rẫy đã cùng với BV Đa khoa tỉnh thực hiện 2 kỹ thuật gồm phẫu thuật đặt catheter Tenkoff và lọc màng bụng cho 2 bệnh nhân là bà Nguyễn Thị Lương, 62 tuổi (trước khi sử dụng dịch vụ lọc màng bụng tại BV Đa khoa tỉnh đã có thời gian điều trị lọc máu bằng phương pháp chạy thận nhân tạo tại BV Đa khoa TP Buôn Ma Thuột và đến nay, bà Lương không thể tiếp tục phương pháp chạy thận này do không thể tạo lỗ động tĩnh mạch (AV) trên cơ thể) và ông Lê Thiện Dũng (trường hợp này mới suy thận trước đó vào cuối năm 2014).

Kể từ tháng 12/2015 đến nay, do không có bệnh nhân đăng ký thực hiện kỹ thuật này (điều kiện chuyển giao cần phải có thêm từ 2-3 bệnh nhân nữa), nên BV Đa khoa tỉnh chưa hoàn thành được việc chuyển giao kỹ thuật và Chợ Rẫy đã đồng ý gia hạn cho BV tiếp tục vào quý 2 năm 2016.

BV Đa khoa tỉnh đang tích cực chủ động tìm nguồn bệnh nhân để hoàn tất quá trình chuyển giao kỹ thuật lọc màng bụng, đồng thời chuẩn bị nguồn lực để triển khai thực hiện kỹ thuật lọc màng bụng ngay sau khi hoàn thành quá trình chuyển giao từ BV Chợ Rẫy.

Như vậy, cho đến nay việc chuyển giao chưa hoàn tất nên đương nhiên Bệnh viên Đa khoa tỉnh chưa thể áp dụng được kỹ thuật thẩm phân phúc mạc.

Chưa có kết luận đúng sai về đấu thầu thuốc

Ông nói sao về thông tin Hội đồng đấu thầu thuốc của Sở cố tình xét trúng thầu sai nhóm thuốc rất nhiều mặt hàng, gây thiệt hại ngân sách hàng chục tỷ đồng?

Đến nay, đoàn thanh tra liên ngành vẫn chưa có kết luận chính thức về việc này. Nhưng có thể khẳng định Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk không có việc cố tình làm sai gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Cuối năm 2014, Sở đã tổ chức đấu thầu tập trung theo Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC và Thông tư liên tịch số 36/2013/TTLT-BYT-BTC để mua thuốc cho các cơ sở y tế công lập (gọi tắt là các cơ sở y tế) trên địa bàn tỉnh sử dụng trong năm 2015.

Do kết quả trúng thầu thấp (53,6% danh mục, 43,8% giá trị thuốc trúng thầu so với kế hoạch) nên ban đầu cơ sở y tế có thiếu thuốc. Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương với các giải pháp: mua sắm cấp bách, tăng số lượng, áp dụng kết quả trúng thầu…nhằm cung ứng thuốc bảo đảm về số lượng, chất lượng cho các cơ sở y tế, hạn chế thấp nhất việc xảy ra tình trạng thiếu thuốc.

Việc triển khai đấu thầu thuốc tại các tỉnh, thành trên cả nước đều gặp khó khăn chứ không riêng gì Đăk Lắk. Mặt khác, theo quy định của luật Đấu thầu, thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi kể từ khi xây dựng danh mục đến phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu khoảng 6 tháng. Nếu triển khai đấu thầu rộng rãi với tiến độ bình thường thì dự kiến đến đầu quý 3 năm 2016 mới có kết quả đấu thầu thuốc sử dụng cho năm 2016.

Trong thời gian chờ tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi, để tránh tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở, Sở Y tế đã đề nghị và được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương lựa chọn nhà thầu theo hình thức mua sắm trực tiếp thuốc phục vụ khám chữa bệnh 6 tháng đầu năm 2016.

Để bảo đảm công tác cung ứng, sử dụng thuốc, Sở Y tế đề nghị và được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác để tự mua thuốc phục vụ nhu cầu cấp bách.

Như vậy, trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, Sở Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm triển khai việc lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc. Đối với 6 tháng đầu năm 2016, việc cung ứng thuốc được thực hiện theo hình thức mua sắm trực tiếp và đã có kết quả lựa chọn nhà thầu; 6 tháng cuối năm 2016 được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi và kế hoạch này đã trình UBND tỉnh phê duyệt.

{keywords}

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk khẳng định không có việc cố tình làm sai gây thất thoát ngân sách Nhà nước trong đấu thầu thuốc.

Ông cho biết, có hay không việc tất cả các cơ sở y tế công lập trong toàn tỉnh rơi vào tình trạng thường xuyên thiếu thuốc, tháng nào cũng phải xin mua thuốc bổ sung cấp bách theo lối “chữa cháy”?

Qua kiểm tra, các trạm y tế trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột mà báo đưa tin thiếu thuốc từ 30-40% thì thực ra trạm y tế xã phường đã sử dụng là 2,275 tỷ đồng (chủ yếu là tiền thuốc), sử dụng thuốc lên tới 190% so với định mức.

Ví dụ năm 2015, trạm y tế xã Hòa Thuận sử dụng thuốc lên tới 198% so với định mức; trạm y tế phường Thành Công sử dụng thuốc lên tới 367% so với định mức.

Trong 2 tháng đầu năm nay, xã Hòa Thuận trung bình sử dụng 13,7 triệu đồng tiền thuốc/tháng (phù hợp), trạm y tế phường Thành Công sử dụng thuốc lên tới 287% so với định mức.

Có thông tin cho rằng Sở Y tế Đắk Lắk cho trúng thầu mặt hàng Cefepimark 1g của nhà sản xuất Marksans Pharma dù mặt hàng đã hết giấy phép lưu hành ngày 7/1/2015, bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động doanh nghiệp nước ngoài về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại VN từ ngày 8/8/2014 vì vi phạm chất lượng thuốc?

Tại quyết định số 422/QĐ-XPHC ngày 8/8/2014 của Cục Quản lý dược xử phạt vi phạm hành chính về thuốc chỉ tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động đối với công ty Marksans Pharma Ltd tại Việt Nam trong thời gian 6 tháng, chứ không đình chỉ lưu hành thuốc Cefepimark 1g, SĐK VN-5494-10.

Thuốc chỉ không được sử dụng khi Cục Quản lý dược - Bộ Y tế có thông báo đình chỉ, thu hồi. Như vậy, thuốc Cefepimark 1g, SĐK VN-5494-10, nếu được sản xuất trước ngày SĐK hết hiệu lực thì vẫn được lưu hành, sử dụng đến hết hạn dùng của thuốc hoặc khi Cục Quản lý dược - Bộ Y tế có thông báo đình chỉ, thu hồi.

Không hiểu do vô tình hay cố ý nhưng nguồn thông tin này đã đánh tráo khái niệm giấy phép lưu hành hết hạn thành thuốc không được sử dụng nữa khiến cho dư luận hiểu sai bản chất vấn đề rằng Bệnh viện đa khoa Tỉnh sử dụng thuốc hết hạn.

Ngày 24/3/2016, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 1940/VPCP-V1 gửi UBND tỉnh Đắk Lắk, trong đó nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo chặt chẽ đoàn thanh tra liên ngành tiến hành việc thanh tra nghiêm túc, khách quan và báo cáo kết quả xác minh, nội dung tố cáo về vi phạm, tiêu cực trong đấu thầu mua thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế tại Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế lên Thủ tướng trước ngày 31/5/2016”.

"Đến nay, đoàn thanh tra liên ngành đã làm việc xong và đã có biên bản thanh tra nhưng chưa ban hành kết luận thanh tra. Chính vì chưa có kết luận chính thức của đoàn thanh tra liên ngành nên Sở Y tế chưa có căn cứ để xử lý kỷ luật cán bộ (nếu có) theo qui định", lời ông Long.

T.Nhung