- Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, có những loại thuốc đặc trị cực đắt, lên tới 1,2 tỷ/năm... nên quỹ BHYT không đủ khả năng chi trả 100%.

Vẫn có thuốc thay thế

Liên quan đến những điểm mới trong Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2015, đặc biệt là thông tin giảm chi trả 28 loại thuốc đặc trị điều trị ung thư, khớp...bà Tống Thị Song Hương cho hay, Bộ Y tế đã thông báo cho các cơ sở khám chữa bệnh để thông tin cho người bệnh.

Theo bà Hương, tất cả những căn bệnh nói trên đều đã có thuốc điều trị thông thường. Những thuốc nào cần cho bệnh nhân đều đã có trong danh mục.

{keywords}
Các bệnh nhân điều trị ung thư tại Viện K Hà Nội. 

"Những thuốc giảm chi trả (người bệnh phải thanh toán 50%) là thuốc theo công nghệ sinh học mới, thuốc nhắm trúng đích. Những thuốc này là thuốc được quyền lựa chọn theo khả năng của bệnh nhân", bà Hương thông tin.

Theo bà Hương, với những trường hợp bệnh nhân đang dùng thuốc giá cao trong danh mục được BHYT thanh toán 100%, nhưng từ 1/1/2015 áp dụng Luật BHYT mới không còn đủ điều kiện để theo tiếp, phải cắt thuốc thì vẫn có thuốc thay thế.

"Nếu bệnh nhân không có điều kiện, họ có thể lựa chọn các thuốc khác mà không phải cùng chi trả 50%. Tất cả các thuốc này đều cùng một nhóm. Những thường hợp khó khăn cũng được áp dụng theo Quyết định 14/2012/QĐ của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ về chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo", bà Hương nhấn mạnh.

'1,2 tỷ/năm thì chẳng mấy chốc mà hết quỹ'

Giải thích lý do phải giảm chi trả 28 loại thuốc đặc trị, bà Hương cho biết, có những loại thuốc đặc trị rất đắt tiền từ 1- hơn 4 triệu đồng/ngày nên quỹ BHYT không đủ khả năng chi trả.

"Đắt nhất là Sorafenib, điều trị ung thư gan, thận với giá 1,2 tỷ/năm. Nếu vậy chẳng mấy chốc mà hết quỹ", bà Hương cho biết.

{keywords}
Từ 1/12015, nhiều loại thuốc đặc trị chỉ được được BHYT hỗ trợ 50%

Theo bà Hương, trong năm 2014, tổng thu quỹ BHYT là trên 40.000 tỷ đồng. Số kết dư BHYT hiện nay là trên 20.000 tỷ đồng.

Khi được hỏi về biến động tổng quỹ BHYT trong năm tới (khi triển khai BHYT toàn dân), bà Hương cho biết, số tiền thu được cũng sẽ không chênh hơn nhiều so với con số hơn hơn 40.000 tỷ hiện tại.

"Khi làm chính sách, tổ chức thực hiện chính sách, Bộ Y tế đã phải phối hợp với nhiều bộ, ngành liên quan để đưa ra được những quy định sao cho thật hợp lý. Ít nhất phải đảm bảo điều kiện điều trị cho bệnh nhân đã, những cái ngoài khả năng, phải bổ sung thêm thì phải tính toán, cân đối, nhất là thời gian tới thay đổi giá dịch vụ y tế", bà Hương nói.

Bà Hương dẫn chứng, trong năm 2005, chỉ thay đổi một chút quyền lợi đã gây vỡ quỹ BHYT.

"BHYT là quỹ ngắn hạn. Nguyên tắc quỹ BHYT là chia sẻ, khi số người tham gia càng tăng, mức đóng càng giảm. Quỹ BHYT được tính toán trên cơ sở số thu có được, thu làm sao để đủ chi. Ví dụ trong cộng đồng có 20-30% người yếu phải sử dụng BHYT thì chỉ tính toán làm sao thu đủ số tiền hỗ trợ cho 20-30% đó thôi. Nên về nguyên tắc, số người tham gia BHYT càng ít thì mức đóng càng nhiều. Khi nhiều người tham gia thì mức đóng giảm đi", bà Hương nói thêm.

Phía bệnh viện và bệnh nhân sẽ phản ứng như thế nào trước sự thay đổi trong Luật BHYT mới? VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin trong bài tới.

Thúy Hạnh