Mấu chốt hướng châu Á của Tổng thống Obama là thay đổi cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc bằng cách hợp thức với các nước láng giềng để tăng sức ép với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khiến họ "chơi đúng luật".

Khởi điểm chuyến công du 9 ngày bắt đầu từ khi tới Hawaii ngày 11/11 và kết thúc tại Bali, ông Obama đã tuyên bố những bước đi để mở rộng thương mại, hợp tác quân sự và thúc đẩy ngoại giao với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương nhằm cùng chia sẻ những quan tâm từ Washington về chính sách tiền tệ, sở hữu trí tuệ và tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

“Áp lực của Mỹ với Trung Quốc rất mạnh mẽ", Tim Condon, nhà nghiên cứu châu Á tại ING Groep NV (INGA) có trụ sở ở Singapore nói. Sự thay đổi ấy đã khiến người Trung Quốc "giật mình". "Trung Quốc không thể phớt lờ lập trường của Mỹ. Câu hỏi duy nhất là họ thể hiện thế nào".

Ảnh: Telegraph

Chiến lược chính sách đối ngoại của Mỹ đang hướng tâm điểm trở lại châu Á khi cuộc chiến Afghanistan và Iraq sắp tới hồi kết thúc, và khi sau hơn hai năm rưỡi ông Obama tuyên bố nỗ lực xích lại gần thế giới Hồi giáo cũng như các cuộc hòa đàm Trung Đông phần lớn thất bại.

Trong suốt chuyến đi, ông Obama đã nhiều lần nhắc lại rằng, ông không theo đuổi một chiến lược ngăn chặn chống lại Trung Quốc và điều ông tập trung là tạo công ăn việc làm cho người Mỹ. Ngay cả khi có những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của Mỹ khá lạc quan - chỉ số Standard & Poor’s 500 tăng 11% kể từ đầu tháng 10 - thì tỉ lệ thất nhgiệp của Mỹ vẫn ở mức bằng hoặc trên 9% trong hơn hai năm.

Obama đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu Mỹ lên 3,14 nghìn tỉ USD/năm vào cuối 2014. Ông tuyên bố, châu Á là "chìa khóa" để đạt được mục tiêu ấy. Năm nay, Mỹ xuất khẩu sang Vành đai Thái Bình Dương nhiều hơn châu Âu (theo con số của Bộ Thương mại Mỹ).

Khi ở hòn đảo Bali của Indonesia, ông Obama đã tham gia sự kiện đáng nhớ với đơn hàng trị giá 21,7 tỉ USD cho Boeing từ hãng hàng không Lion Air (Indonesia) - một hợp đồng kỷ lục với nhà sản xuất máy bay tại Chicago.

Trong một cuộc họp báo tại Canberra, Australia vào 16/11, ông Obama khẳng định, "là sai lầm" khi nói rằng Mỹ sợ Trung Quốc hay tìm cách cô lập quốc gia đông dân nhất thế giới này. “Thông điệp chính tôi nói là sự gia tăng của họ sẽ đi cùng với trách nhiệm gia tăng. Nó rất quan trọng để Trung Quốc chơi đúng luật".

Những thỏa thuận mới

Tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương ở Honolulu ngày 12/11, ông Obama đã tuyên bố Mỹ và 8 nước khác - không bao gồm Trung Quốc - nhất trí hoàn thành một hiệp định thương mại có tên Đối tác Xuyên Thái Bình Dương trong vòng một năm. Thương mại hai chiều giữa Mỹ và các quốc gia này đạt 171 tỉ USD năm ngoái, so với 457 tỉ USD với Trung Quốc và 181 tỉ USD với Nhật Bản.

Tổng thống Obama khẳng định, Mỹ hoan nghênh thêm các nước khác tham gia miễn là họ cam kết tuân thủ các điều kiện về tiền tệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, thuế quan và tiếp cận thị trường - những điểm gây tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ cũng gia tăng dấu ấn quân sự trong khu vực với tuyên bố triển khai 2.500 lính thuỷ đánh bộ ở phía bắc Australia và cam kết sẽ tăng cường giúp Philippines phòng thủ hải quân. Gia tăng sự hiện diện của Mỹ có thể được xem là động thái "đối trọng" với Trung Quốc khi nước này quả quyết hơn trong tuyên bố chủ quyền với Biển Đông - vùng biểu giàu tài nguyên dầu khí - là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Bắc Kinh và bốn nước Đông Nam Á.

Ricky Carandang, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói với báo chí ở Bali rằng, sự hiện diện của Mỹ “hỗ trợ khả năng của chúng tôi để khẳng định chủ quyền với các khu vực nhất định" và sẽ được coi như là một "lực lượng đảm bảo ổn định".

Trong khi ở Bali với tư cách là tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á, ông Obama đã đưa ra tuyên bố ngoài kế hoạch rằng, ông sẽ cử Ngoại trưởng Hillary Clinton tới Myanmar vào tháng trước - chuyến công du đầu tiên của bộ trưởng ngoại giao Mỹ đến một đất nước sau hơn nửa thế kỷ.

Áp lực

Điều này đã tạo áp lực với Trung Quốc, Willy Lam, trợ lý giáo sư về lịch sử tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong cho biết. Theo Lam, Myanmar đang "đặt cược rủi ro" bằng cách tìm kiếm sự mở rộng vượt ra ngoài vòng bảo trợ của Trung Quốc. Myanmar là cửa ngõ quan trọng để Trung Quốc tiến ra Ấn Độ Dương.

Theo ông Lam, giờ đây, Trung Quốc "rất lo lắng về việc Washington có thể muốn 'trộm" các khách hàng của mình".

Phản ứng của lãnh đạo Trung Quốc với chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương là khá kín tiếng. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại APEC nói, khu vực nên là nơi có hoạt động hợp tác tích cực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khi thoả thuận quốc phòng Mỹ - Australia công bố, bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, cần phải nghiên cứu để đánh giá lợi ích của nó với khu vực.

Theo quan chức chính quyền Obama tại Bali thì, chính phủ Trung Quốc về tổng thể là ủng hộ vì họ muốn ổn định về biên giới và tương tác lớn hơn với cộng đồng quốc tế. Doug Paal, phó chủ tịch nghiên cứu tại Carnegie Endowment for International Peace, một trung tâm nghiên cứu chính sách tại Washington, nói rằng "sẽ là phù hợp với các lợi ích của Trung Quốc để thể hiện phản ứng điềm tĩnh" với những bước đi của Obama.

Paal, người từng là giám đốc khu vực châu Á cho Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng thời George H.W. Bush, khẳng định, chính phủ Trung Quốc không muốn thừa nhận nội bộ hay công khai rằng "họ đang đối mặt với một nguy cơ lớn hơn" sự đáp trả từ Mỹ và các nước khác.

Thái An (theo Bloomberg)