- Chia sẻ với Chính phủ khó khăn phân chia “bánh” ngân sách trong lúc thắt lưng buộc bụng, song hầu hết ĐBQH đều nói vẫn có thể cân đong lại túi tiền để tăng lương cho người lao động.

Có thể dôi 50 nghìn tỷ đồng

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền chia sẻ, dự họp với Chính phủ về vấn đề phân bổ ngân sách mà thấy hết sức đáng lo ngại.

Theo ông, trong một nền kinh tế khó khăn sản xuất đình đốn, thâm hụt ngân sách như hiện nay mà kế hoạch chi tiêu vẫn bình bình như mọi năm. Đặc biệt là rất dàn trải.

ĐB Nguyễn Đình Quyền (phải): Một dự án mà có tên trong ba hạng mục chi...

“Đến mức Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói, chỗ này vừa đưa vào mục tiêu chương trình quốc gia phải chi, song lúc phân bổ chương trình hỗ trợ lại thấy có anh đó ở đấy, tức chương trình mục tiêu quốc gia cũng có, chi thường xuyên cũng có, chi hỗ trợ cũng có. Một dự án mà có tên trong cả ba hạng mục chi. Ngân sách tiêu không rõ ràng, phân bổ trùng lắp, dàn trải, lấy đâu tiền chi lương?”, ông Quyền nói.

Theo ông, hoàn toàn có thể cắt bỏ chi phí không cần thiết để tăng lương. Nói như Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng là có thể cắt cái khác đi được, nhưng tiền đi chợ của dân, cái ăn hàng ngày thì không cắt được.

Trong bối cảnh khó khăn lại vẫn duy trì cung cách cũ, đó là chuyên viên cấp vụ trình lên, lãnh đạo ngồi trên ung dung phân bổ theo địa chỉ có sẵn mà không rà soát cái gì cần, cái gì không cần.

“Anh Vinh (Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh - PV) nói sẽ trình với Thủ tướng một phương án không còn chương trình mục tiêu quốc gia nữa. Còn nó thì còn chạy. Vì ở hạng mục chi thường xuyên chỉ 1 đồng, nhưng đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia thì thành 5 đồng. Vậy là "chạy" để được phân phối chương trình, là cái ổ của tiêu cực”, ông Quyền cho hay.

Thường trực UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang cũng nhẩm tính, rà soát lại các chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình mục tiêu quốc gia thì có thể tiết kiệm được 30 - 40 nghìn tỷ đồng. Cộng thêm 10 nghìn tỷ từ dầu khí là có thể dôi ra 50 nghìn tỷ cho việc tăng lương.

Tăng 100 nghìn thay vì 300 nghìn đồng?

Ông Quang cũng chỉ ra mâu thuẫn, trong khi quan điểm phân bổ ngân sách được nhấn mạnh là “tập trung cho con người” nhưng đi vào cụ thể lại lý luận là không thực hiện được lộ trình cải cách tiền lương vì không đủ tiền.

“Nếu khó khăn có thể chỉ tăng lương một phần. Thay vì tăng 300 nghìn đồng thì có thể chỉ nâng khoảng 100 nghìn đồng thôi”, ông Quang nói.


ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) phản ánh, “sau phát biểu của Chính phủ tôi nhận được rất nhiều email của cử tri nói rằng nên tăng lương, đừng trì hoãn nữa. Có thể tăng không cần nhiều nhưng đây là kỳ vọng của dân. Chính phủ phải ưu tiên cho người dân”, ông Phương đề xuất.

ĐB Nguyễn Hồng Hà (Hà Nội) góp ý, đặt vào vai các bà nội trợ hàng ngày xách làn ra chợ mới hiểu được ý nghĩa của điều chỉnh lương.

ĐB Trần Thanh Hải, Trương Thị Ánh (TP.HCM) cũng tha thiết đề nghị Chính phủ cân đối nguồn để tăng lương trong năm 2013. Trước mắt ưu tiên tăng lương cho đối tượng hưu trí, chính sách.

Thường trực Ủy ban KHCN&MT Ngô Văn Minh cũng đề xuất siết kỷ luật tài chính để hạn chế tình trạng tiêu xài lãng phí ngân sách quốc gia. Theo ông Minh, Chính phủ phải khẳng định quan điểm dứt khoát phải tăng lương chứ không thể "đá bóng về sân Quốc hội".

Còn theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), đời sống nhân dân đang rất khó khăn, “ra các khu công nghiệp sẽ thấy”.

Ủng hộ phương án của ĐB Nguyễn Đình Quyền, bà Khánh cho rằng Bộ Tài chính nên tích cực rà soát lại để điều chỉnh các khoản chi khác. Trước mắt có thể cắt giảm ngay trong hạng mục chi cho các tập đoàn kinh tế. Rồi các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều cái trùng lặp nhau phải rà soát lại.

“Phải điều chỉnh tăng lương, không được tất cả thì cũng phải được một phần nào đấy. Mọi mặt hàng đều đã tăng, mọi chuyện bức xúc lắm rồi, giờ có phải dồn thêm một ngọn lửa nữa cho dân không?”, bà Khánh góp ý.

Phiên thảo luận tại hội trường về phân bổ ngân sách sẽ diễn ra chiều 31/10.

Lê Nhung - Xuân Linh - Ảnh: Lê Anh Dũng