- Từ nay đến năm 2030, TPHCM sẽ thực hiện cơ bản 8 tuyến đường sắt đô thị.

Thông tin trên được Ban quản lý (BQL) Đường sắt đô thị TPHCM đưa ra tại cuộc họp báo chiều 15/3.

{keywords}

Theo BQL Đường sắt đô thị TPHCM, dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) với tổng mức đầu tư 236.626 triệu yên (54.006 tỷ đồng).

Tuyến này có tổng chiều dài 19,7km gồm 2,6km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao, 14 nhà ga (với 3 ga ngầm, 11 ga trên cao và depot Long Bình tại quận 9).

Dự án được chia làm 5 gói thầu, đang trong quá trình thực hiện đảm bảo đúng tiến độ và tiêu chuẩn kỹ thuật. Dự kiến, toàn tuyến sẽ được đưa vào khai thác năm 2020. Riêng đoạn trên cao dài 17,1km dự kiến hoàn thành vào năm 2019.

Về tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương hiện vẫn chưa rõ thời điểm thi công do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Nếu 2017 giải tỏa xong, dự án có thể khởi động vào năm 2018 và thi công trong 5 năm.

Dự kiến, dự án sẽ ảnh hưởng đến 679 hộ thuộc quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú.

Đối với dự án Metro số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) với tổng mức đầu tư 1.563 triệu euro, trong đó vốn đối Việt Nam 463 triệu euro (giải phóng mặt bằng).

Hiện BQL Đường sắt đô thị đã tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (đoạn từ bến xe Cần Giuộc mới đến cầu Sài Gòn).

Giai đoạn 2 (ngã tư Bảy Hiền - bến xe Cần Giuộc mới), Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ kỹ thuật 5 triệu USD để thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi.

Theo BQL đường sắt đô thị TPHCM, hiện nay nguồn vốn ODA cấp cho hệ thống đường sắt đô thị TPHCM đang tiến triển rất khả thi. Không chỉ Nhật Bản mà nhiều nước khác như Anh, Hàn Quốc… cũng muốn hợp tác với TPHCM thực hiện hệ thống đường sắt đô thị. Tuy nhiên do nhiều yếu tố nên hiện nay BQL dự án vẫn đang cân nhắc.

“Từ đây đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, TPHCM sẽ thực hiện cơ bản 8 tuyến đường sắt đô thị” - BQL đường sắt đô thị TPHCM khẳng định.

Như Sỹ