- HTX tương lai phải thúc đẩy tính tự chủ độc lập, trao quyền cụ thể, đừng nghĩ cứ phải đại hội xã viên đến chỉ đạo...

Đừng để là 'đứa con lạc loài'

BTV Xuân Linh: Trong quá trình đi thực tế, chúng tôi nhận thấy vai trò của địa phương rất quan trọng, đặc biệt cấp huyện. Với HTX Anh Đào, vai trò của địa phương cần thiết như thế nào? Nếu mô hình quản lý phát triển đến mức vượt quá năng lực của HTX thì vai trò của địa phương hỗ trợ ra sao?

Ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX Anh Đào (Lâm Đồng): Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã định hướng cụ thể 5 năm, hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý HTX, quy cách quy trình sản xuất các loại cây thế mạnh của Lâm Đồng, hỗ trợ tiếp cận các dự án của DN...

Nhưng vẫn có một số cán bộ công nhân viên nhà nước hiện nay chưa hiểu rõ HTX là gì. Cấp sở vẫn nghĩ HTX hiện nay giống ngày xưa. Chúng tôi lên có việc là tiếp cận một dự án về đất đai để phát triển dự án, họ nói cái này mà bây giờ làm rất khó, sang bên HTX hết thì nông dân sau này người ta chạy hết, khiến chúng tôi giật mình về cách suy nghĩ của một tỷ lệ rất nhỏ cán bộ nhà nước.

Chủ trương chính sách cấp cao thì rất bổ ích, nhưng chưa đến tay nông dân, ví dụ chính sách giảm thuế 40% cho HTX nhưng hoàn toàn không biết chuyện đó...

Đơn vị nào được chính quyền địa phương quan tâm thì hoạt động rất tốt, bám sát chủ trương chính sách và tiếp cận nguồn vốn rất là tốt, đầu ra rất tốt. Nhưng nơi nào nếu không quan tâm thì HTX như đứa con lạc loài.

XEM CLIP TRANH LUẬN VỀ VAI TRÒ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG:

Còn khó nếu quản lý kiểu kiểm soát và báo cáo

BTV Xuân Linh: Chính sách về HTX nhiều cho thấy sự năng động nhưng rõ ràng phải có bước chuyển cấp từ chính sách đi vào đến trực tiếp đối tượng hưởng thụ chính sách. Không thể không kể đến vai trò của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp huyện hiện nay. Trong tham mưu chính sách, ông nhìn nhận thế nào?

TS Lê Đức Thịnh, Cục phó Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT): Các cấp chính quyền, kể cả các cấp ủy Đảng, không chỉ huyện mà cả xã, đều quan trọng, vì HTX là một pháp nhân kinh tế, môi trường kinh doanh, đầu tư đều phụ thuộc vào hành xử của quản lý nhà nước ở địa phương.

Thứ hai, bản chất phát triển HTX là phát triển địa phương, làm lãi cho cả cộng đồng chứ không chỉ làm lãi cho ông chủ DN. Vì là phát triển cộng đồng nên vai trò của chính quyền tăng gấp 2-3 lần so với hỗ trợ cho DN.

Vai trò của chính quyền địa phương đầu tiên là triển khai chính sách. Tất cả văn bản chính sách đều nói các địa phương chi tiết hóa, xây dựng thành kế hoạch, vì không chính sách nào không cần hướng dẫn của địa phương.

Chính địa phương cũng nắm bắt nhu cầu của HTX. Không ai trên Bộ, Trung ương biết được cụ thể cái khó như địa phương. Nếu chúng ta cứ áp dụng quản lý nhà nước theo kiểu kiểm soát và báo cáo thì cực kỳ khó cho các pháp nhân kinh tế trong đó có HTX.

Bộ NN và các bộ ngành khác đang muốn chuyển hướng quản lý nhà nước theo hướng thúc đẩy, những gì cản trở cho phát triển thì phải gạt bỏ. Bây giờ đang phải thực hiện luật DN và luật Đầu tư, sắp tới nghị định tham vấn cho HTX nông nghiệp cũng quy định rõ các cấp phải làm gì.

TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm: Theo quy định mới thì việc đăng ký HTX là ở cấp huyện. Để thúc đẩy HTX cấp huyện việc này phải được ưu tiên về cán bộ chuyên trách, dịch vụ một cửa, kèm theo tư vấn thủ tục, chính sách...

{keywords} 

Hiện Liên minh HTX đang chỉ đào tạo cho thành viên của Liên minh, nhiều HTX bé quá không tham gia, chủ yếu là các HTX to, phi nông nghiệp, những nơi hưởng lợi chủ yếu là các HTX đã mạnh rồi. Cần bổ sung tư vấn dịch vụ công của nhà nước đến vai trò của Liên minh HTX thúc đẩy đào tạo, Liên minh HTX sắp tới cũng phải đóng vai trò kiểm toán để hỗ trợ cho các HTX để xem HTX nào hoạt động đúng luật hoặc không đúng luật.

Phải đa dạng liên kết kinh tế tập thể

BTV Xuân Linh: Hạt nhân chính vẫn là nông dân. Nông dân có xu hướng tìm những hình thức liên kết thực dụng, tiện ích, độc lập mà vẫn chủ động. Số phận mô hình HTX nông nghiệp muốn phát triển tối ưu cạnh tranh các hình thức liên kết khác và hợp tác khác thì cần phải khắc phục điều gì?

TS Lê Đức Thịnh: HTX cần hướng vào mô hình kiểu mới, thúc đẩy kinh doanh trong đó có cả quy trình sản xuất, hỗ trợ nông dân trong thương mại hóa nông sản, bảo quản, chế biến.

Những dịch vụ trong HTX cần thúc đẩy như khoa học kỹ thuật, quản lý quy trình như VietGap, đặc biệt là khâu sau thu hoạch.

Ở trong HTX tương lai phải thúc đẩy tính tự chủ độc lập, trao quyền cụ thể, đừng nghĩ HTX là gì mà cứ phải đại hội xã viên, đến chỉ đạo, anh này xác định giá dịch vụ thì phải báo cáo lên đảng ủy có cho phép không, phải tránh. Hỗ trợ HTX hướng vào kinh doanh, tự chủ độc lập như pháp nhân kinh tế, nhà nước trao quyền và hỗ trợ, không xây dựng đơn vị cánh tay kéo dài của nhà nước tới địa phương.

XEM CLIP KIẾN NGHỊ THÁO GỠ CHÍNH SÁCH:

BTV Xuân Linh: Các ông đang chuẩn bị diễn đàn riêng, kỳ vọng chương trình hỗ trợ HTX phát triển như thế nào trong thời gian tới?

TS Đào Thế Anh: Trong lĩnh vực tổ chức nông dân hay kinh tế tập thể cần đa dạng hình thức phù hợp với vùng miền. Tổ hợp tác rất phổ biến ở ĐBSCL, HTX thì ở miền Trung, miền Bắc.

Mỗi địa bàn cần có mô hình khác nhau như tổ hợp tác, hội nghề nghiệp... Luật Hội sắp tới nên thừa nhận nhiều hình thức hỗ trợ kinh doanh ở nông thôn. Bà con thấy hình thức nào phù hợp thì lựa chọn, hoàn toàn không cạnh tranh nhau. Có nhiều tổ hợp tác sẽ là tiền đề  cho HTX, thúc đẩy HTX thì ra đời nhiều hơn.

Chúng ta cạnh tranh trên quan điểm sợ số HTX, tôi nghĩ số HTX không quan trọng đâu, quan trọng là quy mô và khả năng của mỗi HTX. Chúng ta có thể có ít HTX hơn nhưng các HTX lớn quy mô giải quyết được đầu ra cho các vùng nông sản chính hơn là có nhiều HTX  li ti như tình trạng DN hiện nay đang bị li ti hóa.

Diễn đàn này sẽ đáp ứng nhu cầu trao đổi kinh nghiệm, học hỏi về quản trị, quản lý HTX, tiếp cận thị trường, sẽ có nhiều HTX cần nhu cầu trao đổi, các HTX mới thành lập chưa có đào tạo, chưa có ai tư vấn thì họ trao đổi, trao đổi phải thường xuyên.

Vừa rồi Hội kinh tế hợp tác tổ chức diễn đàn mời 130 HTX và tổ hợp tác đại diện các vùng miền thì thấy nhu cầu của các tổ chức này rất cao, ý tưởng thành lập cả một website để có thể giao lưu thường xuyên, có những câu hỏi về mặt kinh nghiệm, có những câu hỏi về mặt chính sách...

Với sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam, Liên minh nông nghiệp cùng Hội khoa học phát triển nông thôn, chương trình có mục tiêu ngoài các HTX có thể thu hút thêm các tổ hợp tác có nhu cầu trao đổi kinh nghiệm.

Tiền không phải vấn đề chính

BTV Xuân Linh: HTX Anh Đào tới đây sẽ phát triển như thế nào, các ông có chờ đợi tháo gỡ nào về chính sách để có nhiều cơ hội nhiều hơn nữa tham gia thị trường?

Ông Nguyễn Công Thừa: Chúng tôi kỳ vọng làm thế nào tiếp tục là đơn vị đẫn đầu tại địa phương, hỗ trợ các HTX thành viên, làm sao tập hợp liên hiệp HTX để có sức mạnh, đoàn kết để đối lại HTX ở nước ngoài chứ không phải trong nước, có tiếng nói mạnh mẽ hơn về chính sách để đảm bảo quyền lợi HTX và hộ nông dân.

{keywords} 

Chúng tôi cũng có kiến nghị, không phải HTX thành lập ra là nhà nước cứ hỗ trợ 5-10 triệu là điều quan trọng mà nhà nước nghiên cứu hỗ trợ HTX về đội ngũ tư vấn, hỗ trợ ban lãnh đạo HTX thiếu kinh nghiệm trên thị trường, thay thế đội ngũ kế cận là lớp trẻ để đi lên, không phải tiền là chính.

Chính sách phải đi thực tế hơn những chính sách giờ không phù hợp. Hiện luật HTX mới khống chế quyền không được cung cấp dịch vụ ngoài quá 3%, đây là 1 cản trở cho HTX, HTX là mô hình phát triển để hỗ trợ cho bà con nông dân, nên chăng nghiên cứu vấn đề đó, ưu tiên các thành viên của mình chứ không phải hạn chế.

Thứ 3 là quan điểm cá nhân, mong anh Thế Anh và Thịnh có thời gian nên suy nghĩ về những văn bản chính sách pháp luật. Văn bản thuế mới ký có 2 ngày về chậm nộp phạt thuế, 2 ngày sau áp dụng ngay tức khắc, trong khi các chính sách nông nghiệp nhiều khi 3 tháng chưa biết đó là cái gì.

Vấn đề vốn, tôi nghe chia sẻ thấy hơi buồn, chúng ta kinh doanh phải có vốn, phương án chưa chuẩn bị kỹ càng tại lớp nông dân, lãnh đạo chưa có trình độ nhất định phát triển cái đó, làm sao phải có đội ngũ tư vấn của nhà nước. Không thể nào cứ vận động HTX lập đi, nhà nước cho 10 triệu, hàng nghìn HTX lập để đó giờ kêu ca không có vốn, không hoạt động. Nên tập trung tư vấn nhiều hơn là về vốn.

Ban Thời sự