- Dự thảo luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi đưa ra giải pháp đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN là chế độ khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.

Thẩm tra dự thảo luật Khoa học Công nghệ sửa đổi, UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH nhấn mạnh cần thể hiện rõ hơn vị trí của người làm KH&CN, coi họ là trung tâm của các hoạt động KH&CN và các doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ.

"Cơ chế quản lý khoa học cần bảo đảm môi trường học thuật tự do và dân chủ gắn với trách nhiệm xã hội, nhất là trong hoạt động khoa học xã hội và nhân văn; đa dạng hóa các loại hình tổ chức và hoạt động KH&CN phù hợp với điều kiện phát triển mới của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế", báo cáo thẩm tra nêu.

Bên cạnh những yêu cầu như trên đối với việc sửa đổi một luật đã thực hiện được 12 năm, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng còn lưu ý các cơ quan soạn thảo và thẩm tra luật nhấn mạnh vai trò và nhiệm vụ của KH&CN trong bảo vệ tổ quốc chứ không chỉ phát triển kinh tế, cũng như các cơ chế trọng dụng và thu hút nhân tài trong lĩnh vực KH&CN...

Một trong những vấn đề được Thường vụ QH chiều 14/9 thảo luận nhiều là cơ chế tài chính cho KH&CN. Đa số ý kiền đồng tình duy trì mức dành 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho KH&CN đã áp dụng từ năm 2000.

"Tuy tỉ lệ này là cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, song do GDP của ta còn thấp, thu ngân sách còn khiêm tốn nên con số tuyệt đối cũng còn hạn chế", Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân đại diện cơ quan soạn thảo nói. "Nhưng thực tế vẫn chưa sử dụng hết hoặc chưa sử dụng hiệu quả mức chi ngân sách này".

Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân: Sẽ có cơ chế ưu đãi cho nhà khoa học giỏi. Ảnh: Người Lao động  

Nhận định "có tháo gỡ được vấn đề cơ chế tài chính thì mới thu hút được các nguồn lực xã hội và trí tuệ của các nhà khoa học", Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Đào Trọng Thi chỉ ra việc quan trọng cần làm là đổi mới quản lý để phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn số vốn ngân sách này.

Tuy nhiên, ông Thi cũng cho rằng "đầu tư cho KH&CN còn do nhà nước bao cấp nhiều quá". Theo ông Thi, ngân sách chỉ nên tập trung đảm bảo cho những dự án do nhà nước đặt hàng, còn để nền KH&CN Việt Nam thực sự phát triển đột phá thì phải để tư nhân đầu tư.

"Vốn nhà nước cấp nhiều nơi chỉ làm tượng trưng để tiêu tiền, còn tư nhân đầu tư bằng tiền của họ sẽ lấy hiệu quả thực tế làm ưu tiên hàng đầu", Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH nhận định. "Xã hội hóa lĩnh vực này có đặc thù khác với các lĩnh vực như văn hóa, giáo dục vì không chỉ làm công ích, đầu tư cho KH&CN còn giúp các doanh nghiệp nâng cao hàm lượng chất xám trong chính các sản phẩm của họ".

Vì vậy ông Thi ủng hộ một giải pháp đột phá trong dự thảo luật: chế độ khoán chi cho các nhiệm vụ KH&CN đến sản phẩm cuối cùng.

"Chế độ khoán chi cho các nhiệm vụ KH&CN đến sản phẩm cuối cùng sẽ giúp khuyến khích các nhà KH&CN chi tiêu tiết kiệm trên cơ sở tính đúng, tính đủ mọi chi phí đầu vào cho nhiệm vụ KH&CN và bảo đảm đầu ra là các sản phẩm nghiên cứu sáng tạo cụ thể và hiệu quả đầu tư rõ ràng, lượng hóa được và tính ứng dụng cao", tờ trình của Bộ KH&CN nêu.

Cũng ủng hộ giải pháp này, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc chỉ ra do cơ chế tài chính lâu nay khó khăn mà "các nhà khoa học lo về tiền còn vất vả hơn nghiên cứu, dẫn đến hiệu quả hạn chế, làm xong ứng dụng thực tế thì ít mà lưu kho thì nhiều, trong khi chính người nông dân lại tự sáng tạo ra nhiều máy móc phục vụ sản xuất hiệu quả".

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lại chỉ ra một bất cập trong việc đãi ngộ các nhà khoa học: cùng đủ năng lực giải quyết một vấn đề mà nhà khoa học Việt Nam không được trọng dụng hoặc được trả lương rất thấp theo hệ thống lương viên chức bình thường, trong khi lại trả gấp đôi tiền để thuê nhà khoa học nước ngoài.

Để khắc phục hạn chế này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết sẽ kiến nghị cơ chế ưu đãi cho 3 đối tượng: các nhà khoa học đầu ngành; các nhà khoa học được nhà nước giao các nhiệm vụ trọng yếu, đứng đầu các công trình nghiên cứu lớn; và các nhà khoa học trẻ có thành tích xuất sắc.

Với khoảng 2000 người thuộc các đối tượng này, Bộ trưởng Quân cho biết mức chi 2% GDP là đủ để thực hiện. Ông Quân hy vọng việc để các nhà khoa học "tự chủ cao nhất về tổ chức tài chính và biên chế" sẽ tạo ra đột phá trong hoạt động KH&CN.

  • Chung Hoàng