- “Chỉ được chuyển giới khi khiếm khuyết một bộ phận nào đó. Chẳng hạn những trường hợp bên trong nữ, bên ngoài nam nhưng bản chất là nữ thì cho chuyển thành nữ và ngược lại” - ông Phùng Quốc Hiển góp ý điều luật chuyển đổi giới tính.

Quyền được chuyển đổi giới tính (điều 36) và quyền đối với họ, tên và chữ đệm (điều 26) và là hai nội dung mới của dự thảo bộ luật Dân sự (BLDS) có nhiều quan điểm tranh luận tại phiên họp UBTVQH sáng nay.

Chỉ được chuyển giới nếu khiếm khuyết bộ phận

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết có ý kiến cho rằng dự thảo BLDS cần bổ sung quy định về việc chuyển đổi giới tính. Ý kiến khác ngược lại đề nghị không thừa nhận quyền này vì đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có thể làm phát sinh nhiều hệ lụy.

Sau khi cân nhắc, Chính phủ bổ sung hai phương án theo hai luồng ý kiến trên song chọn phương án cần có quy định về việc chuyển đổi giới tính trong BLDS.

{keywords}
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường

“Chuyển đổi giới tính là một nhu cầu có thật, đang ngày càng gia tăng. Do pháp luật VN chưa cho phép nên một số người đã ra nước ngoài chuyển đổi giới tính, khi về nước không được cải chính hộ tịch và do đó gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế để duy trì giới tính mới, cũng như trong cuộc sống, công tác và thực hiện các quyền dân sự khác có liên quan”, ông Cường phân tích.

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng cần cân nhắc yêu cầu như một cá nhân đầy đủ giới tính dứt khoát không cho phép chuyển giới.

“Chỉ được chuyển giới khi khiếm khuyết một bộ phận nào đó. Chẳng hạn những trường hợp bên trong nữ, bên ngoài nam nhưng bản chất là nữ thì cho chuyển thành nữ và ngược lại. Còn đầy đủ các bộ phận của giới tính mà cho chuyển đổi giới tính là không hợp lí”, ông giải thích.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị luật tách rõ quyền được chuyển đổi giới tính và xác định giới tính để không bị nhầm lẫn.

“Trường hợp tôi là nam hay nữ nhưng cơ thể tôi ngược lại thì tôi phải đi xử lí để xác định lại giới tính. Trường hợp này chúng ta đã cho rồi và đây là việc quá nhân văn, quá con người” ba Mai nhấn mạnh.

Bà Mai cho rằng việc chuyển đổi giới tính có 2 trường hợp. Một do rối loạn định dạng giới, tức họ là đàn ông nhưng cứ nghĩ là đàn bà và ngược lại nên họ đi chuyển lại giới tính để sống đúng với suy nghĩ của mình.

Trường hợp thứ hai là thích chuyển đổi giới tính khác. 

“Chẳng hạn họ thấy trở thành phụ nữ có một số nghề làm việc thuận tiện, có tiền hơn thì họ chuyển đổi. Cả hai cái này phải xem xét cân nhắc và cần thêm thông tin vì còn liên quan đến văn hóa VN”, bà Mai lưu ý.

Tên dài quá 25 chữ cái ảnh hưởng gì đâu?

Liên qua việc đặt tên, nhiều ý kiến còn trái chiều xoay quanh việc có nên hạn chế số chữ không được vượt quá 25 chữ cái.  Ông Hiển ủng hộ việc khống chế tên, họ, chữ đệm không quá 25 chữ cái.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển

“Nhiều người vừa qua do tư duy, nhận thức đặt tên cho con cái quá dài. Tính ra có những cái tên đến 30-40 chữ cái, ảnh hưởng làm hồ sơ, đưa danh mục rất phức tạp, gây khó trong quá trình giao dịch. Quy định tên đầy đủ 25 chữ cái, tức là có 5 chữ đã rất dài”.

Song bà Mai cho rằng quy định cụ thể không vượt 25 chữ cái là vượt qua Hiến pháp. Khoản 2 điều 4 Hiến pháp chỉ hạn chế quyền công dân vì lí do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

“Cái tên dài có ảnh hưởng gì đến sức khỏe cộng đồng, có ảnh hưởng gì đến đạo đức xã hội đâu? Nếu lo ngại tên dài phức tạp thì nên khuyến khích người dân đừng đặt dài quá vì đặt dài chính đứa con của họ sẽ bị ảnh hưởng chứ không nên áp đặt người dân đặt tên không quá 25 chữ cái”, bà Mai kiến nghị.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường kiên quyết bảo lưu quan điểm cần thiết quy định rõ cả tên đệm vào trong BLDS. Theo ông, việc khống chế số chữ cái khi đặt tên là cần thiết vì có trường hợp giấy như khai sinh, thẻ căn cước công dân, giấy phép lái xe, thẻ BHXH…phải viết tắt mới đủ chỗ.

Thu Hằng - Ảnh: Minh Thăng