– Việc cấm bán rượu bia sau 22h dự kiến áp dụng đối với các điểm bán lẻ để uống ngay tại chỗ. Sẽ không cấm toàn bộ, mà sẽ cấm ở một số địa điểm theo danh mục, lộ trình. Tại các điểm bị cấm bán thì khách cũng sẽ bị cấm uống sau 22h.

Trao đổi với VietNamNet, TS. Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Tổ trưởng Tổ Biên tập dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, cho biết:

Mục đích của Luật này là dự phòng cấp 0 (dự phòng từ xa) trong việc nâng cao sức khỏe con người, phòng chống bệnh tật và giảm tác hại của việc lạm dụng rượu bia đối với sức khỏe của người uống bia rượu; góp phần vào an ninh trật tự, an toàn xã hội và đặc biệt là hạn chế các tai nạn giao thông do uống rượu, bia gây ra.

{keywords}
 
TS Nguyễn Huy Quang trao đổi với VietnamNet về nội dung dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia

Sẽ cấm bán rượu bia sau 22h ở quán bar, quán nhậu

Thưa ông, cơ sở nào để Ban soạn thảo đưa ra mốc cấm là từ sau 22 giờ đêm hôm trước tới 6 giờ sáng hôm sau?

Đây là quãng thời gian không tốt để uống rượu bia. Cơ thể con người sau 10 giờ đêm là thời gian nghỉ ngơi, sẽ không dung nạp được rượu bia nữa.

Nếu dùng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là các bệnh tâm thần và gan mật.

Điểm nào bị cấm bán sau 22h cũng sẽ bị cấm uống sau 22h

Tại cuộc gặp mặt báo chí để thông tin y tế diễn ra chiều 23/7, bà Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: 

“Nếu cấm bán rượu bia sau 22h thì ban soạn thảo cũng sẽ đưa ra những quy định song song về việc cấm khách uống rượu bia tại các điểm bị cấm bán sau 22h. Điều này đảm bảo quy định không bị nửa vời, nếu tại một điểm chỉ bị cấm bán mà không cấm uống thì sẽ không có tác dụng”.

Hiện nay trên thế giới cũng đã có rất nhiều nước áp dụng quy định về giờ cấm bán rượu bia, như Thái Lan và Singapore – đất nước du lịch – cũng cấm bán lẻ rượu bia từ 14g tới 17g và từ 24g đêm hôm trước tới 11g trưa hôm sau.

Chúng ta tham khảo quy định các nước và tiếp thu tinh thần của họ rồi xây dựng sao cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, mốc cấm sau 10g đêm cũng là trung bình so với thế giới.

Các quy định đưa ra phải dựa vào bằng chứng khoa học nhưng hiện nay mới có vài nghiên cứu lẻ tẻ chưa có tính đại diện.

Để xây dựng luật này, Bộ Y tế giao Viện Chiến lược chính sách y tế nghiên cứu để đưa ra bằng chứng khoa học về việc nên cấm bán rượu, bia vào thời điểm nào và đề nghị cả các tổ chức quốc tế cung cấp thêm thông tin.

Dự kiến sẽ cấm ở những điểm nào hay sẽ cấm toàn bộ, thưa ông?

Dự kiến là trước mắt sẽ cấm bán tại các quán bán lẻ rượu bia để uống ngay tại chỗ (như quán bar, bãi bia, quán nhậu, … - những điểm uống ngay tại chỗ).

Còn bán lẻ tại các địa điểm khác hoặc khách mua về nhà uống thì chưa điều chỉnh.

Nước phát triển du lịch cũng có giờ cấm bán rượu bia

Ban soạn thảo dự luật này có tính đến tác động đối với phát triển du lịch hay không? Các địa điểm đặc thù như quán bar, nếu cấm bán để uống tại chỗ sau 10g đêm thì liệu có cản trở kinh doanh của quán không?

Trong phương án này chưa quy định cái gì cụ thể mà chỉ quy định không được bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22 giờ đến 6 giờ sáng tại một số địa điểm theo danh mục và lộ trình.

Đây là một quy định mở, việc cấm thế nào còn phụ thuộc điều kiện kinh tế - xã hội các địa phương khác nhau, có tính tới cả yếu tố du lịch. Chúng ta làm sao hài hòa giữa lợi ích sức khỏe và lợi ích kinh tế nhưng lợi ích sức khỏe nên được ưu tiên.

Các nước khi ra quy định về giờ cấm bán rượu bia đã tính toán cả rồi, nếu ảnh hưởng đến du lịch họ sẽ có phương án khác ngay.

Nhưng điều đó cũng không có nghĩa quốc gia du lịch là phải mở rộng bằng mọi giá, như Singapore, Thái Lan ngay cạnh chúng ta, hiệu suất kinh tế từ phát triển du lịch của họ hơn hẳn Việt Nam nhưng họ vẫn có 2 khung giờ cấm bán rượu bia chứ không phải 1 khung như đề xuất của Việt Nam.

Còn với quán bar, giấy phép kinh doanh cho phép hoạt động đến 24h nhưng kinh doanh mặt hàng nào có điều kiện thì phải áp dụng theo các luật chuyên ngành. Kinh doanh rượu, bia là kinh doanh có điều kiện.

Không đưa chuyện tăng thuế rượu bia vào luật

Trả lời câu hỏi của VietNamNet về việc tại sao không tính đến phương án tăng thuế để làm giảm nhu cầu sử dụng rượu bia, ông Quang cho biết: Về thuế, Luật này không quy định vì theo quy định của Việt Nam thì toàn bộ các nội dung về thuế phải được quy định trong các luật về thuế (gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt) để tránh chồng chéo.

Tăng thuế có nguyên lý là càng tăng bao nhiêu thì càng hạn chế sử dụng bấy nhiêu. Thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia, thuốc lá đều tăng theo lộ trình cam kết của VN với quốc tế.

Còn để phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, thì không chỉ là cấm bán sau 22h mà còn có các nội dung toàn diện khác như: Kiểm soát nguồn cung cấp rượu bia; kiểm soát việc sử dụng rượu, bia; giải quyết các hậu quả của việc lạm dụng rượu bia.

Thực hiện luật nghiêm ngay rất khó!

Với luật phòng chống tác hại thuốc lá, thực tế đã chứng minh tính khả thi của luật không cao. Với luật phòng chống tác hại rượu bia, ông đánh giá thế nào về tính khả thi? Có lẽ không chủ quán nào lại từ chối bán khi khách hỏi, kể cả là sau 10g đêm...

Với thuốc lá, trước đây chỗ nào cũng thấy hút thuốc, nhưng đến giai đoạn này thì đã có những bước chuyển biến. Ở sân bay trước đây hút thuốc rất nhiều, nhưng nay đã có chỗ riêng cho người hút? Việc in cảnh báo cũng mang lại hiệu quả tích cực.

{keywords}
 
Các quán nhậu đông đúc vào đêm muộn - (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, những hành vi như hút thuốc lá, uống rượu bia có địa điểm, thời gian đa dạng, không cố định nên không thể lúc nào cũng có người kè kè kiểm soát. Do đó cần có luật để quy định, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt.

Thực hiện luật nghiêm ngay rất khó, tính khả thi ngoài nội dung của luật còn phụ thuộc văn hóa pháp lý, nhận thức và ý thức pháp luật của người dân cũng như các biện pháp thanh kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

Từng có lần đi công tác ở Singapore, chúng tôi vào một nhà hàng dự định uống cốc bia, nhưng họ nói chỉ bán nước giải khát chứ bia thì phải sau 17g.

Đó là sự tự giác pháp lý. Lúc nào cũng có cảnh sát, thanh tra kè kè để phạt thì không ở đâu đủ cảnh sát và thanh tra để kiểm tra giờ uống rượu bia.

Tư duy người Việt mình ngàn năm nay là “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, một xã hội thật sự văn minh phải đến lúc duy lý thắng duy tình.

Cần phải có quy định để có định hướng dẫn dắt hành vi của con người.

3 phương án về giờ cấm bán rượu bia

Phương án 1:

Không được bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22h đến 6h sáng tại một số địa điểm theo danh mục và lộ trình quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.

Phương án 2:

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc cấm bán rượu, bia tại một số địa điểm trong khoảng thời gian phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.

Phương án 3:

Chưa quy định thời gian cấm bán rượu, bia trong dự thảo Luật.

Theo ông Quang, phương án 1 được tổ biên tập ưu tiên. Đây là phương án tối ưu, sẽ có tác dụng tích cực nhằm giảm lạm dụng rượu, bia nhưng cần nỗ lực cao trong tổ chức thực hiện.

Cẩm Quyên (Thực hiện)